August 2, 2012
Review: 3 Extremes (Dumpling, Box, Cut) - phim kinh dị
Three ... Extremes bao gồm ba phim ngắn kinh dị của ba đạo diễn nổi tiếng Fruit Chan (Hongkong), Park Chan-wook (Hàn), và Takeshi Miike (Nhật). Các phim trong Three Extremes không khai thác yếu tố siêu nhiên như ma quỷ hay yếu tố bạo lực mà đào sâu và tái hiện những nội tâm phức tạo của con người về đam mê và cuồng vọng. Một quý bà cố gắng níu kéo tuổi thanh xuân để giữ chồng, một nam đạo diễn cố gắng xây dựng hình ảnh hào nhoáng về bản thân, và một nữ nhà văn trẻ với tình yêu mãnh liệt. Một sự tổng hợp ba câu chuyện với diễn biến bất ngờ, được thể hiện bằng ba phong cách làm phim thú vị, Three Extremes là tổng hợp phim ngắn không nên bỏ qua.
Là bộ phim khắc họa rõ thần triết lý "vòng luân hồi" của phim kinh dị châu Á, Dumpling của Fruit Chan được chọn để mở đầu loạt phim. Nhân vật trung tâm là Li, một nữ diễn viên hết thời bước vào tuổi 40, đã tìm đến đầu bếp Mei để dùng loại há cảo đặc biệt làm từ bào thai người nhằm lưu giữ tuổi thanh xuân. Nội dung phim khá chặt chẽ, dễ hiểu, theo mô-típ "ác giả ác báo". Cảnh kết phim khá đẹp. Phim có sự tham gia của nữ diễn viên nổi loạn và tai tiếng Bạch Linh (Bai Ling). Dumpling sau này được phát triển thành phim độc lập dài 90 phút với một chút thay đổi trong phần nội dung về sau.
Cut của Park Chan-wook xuất hiện tiếp theo. Đạo diễn Park Chan-wook vốn được biết đến với loạt ba phim lấy sự trả thù làm trung tâm được đánh giá rất cao (Oldboy, Sympathy for Mr Vengeance, Sympathy for Lady Vengeance). Phim ngắn Cut cũng xoay quanh chủ đề trả thù. Trong một đêm mưa gió, một kẻ lạ mặt tấn công vào dinh thự của cặp vợ chồng trẻ tuổi giàu có. Người chồng vốn là một đạo diễn giỏi, tài năng; trong khi người vợ xinh đẹp là một nghệ sĩ piano. Kẻ lạ mặt này hóa ra là một diễn viên quần chúng đã xuất hiện khá nhiều trong các bộ phim của chàng đạo diễn. Kẻ tấn công trói người vợ bằng rất nhiều dây quấn chặt quanh cây đàn piano và đe dọa nếu người chồng không giết đứa trẻ mà kẻ lạ mặt dẫn theo thì hắn sẽ chặt dần 10 ngón tay của người vợ. Liệu người chồng sẽ đưa ra quyết định như thế nào? Giết đứa trẻ hay để kẻ lạ mặt chặt đứt 10 ngón tay của người vợ rất quan trọng đối với một nghệ sĩ đàn piano?
Cut hầu như chỉ sử dụng một địa điểm quay duy nhất, tuy nhiên, với cách dùng màu sắc sống động và sự xoay chuyển khéo léo các khung hình nên các cảnh phim không có cảm giác nhàm chán. Tính cách của các nhân vật và nội dung cốt truyện vô cùng thú vị. Tên diễn viên phụ tấn công hai vợ chồng đạo diễn cũng chỉ vì hắn ghen tị với cuộc sống quá hoàn hảo của chàng đạo diễn nọ: tài năng, giàu có, tính cách hòa nhã, khiêm tốn. Ngờ đâu, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng đó là những mặt tối mà ai cũng cố tình che đậy. Nam đạo diễn tưởng như tốt đẹp nhưng hóa ra cũng chỉ là một người yêu hình ảnh tự dựng nên của chính mình hơn là bảo vệ cho tình yêu thật sự. Người vợ xinh đẹp là kết quả của những cuộc phẩu thuật thẩm mỹ triền miên đến nỗi trở thành một con rô bốt cứng nhắc được lập trình mở miệng phát âm những câu chào buổi sáng như cách đạo diễn chế nhạo. Diễn biến của phim nhanh, gọn, lôi cuốn, gây nhiều bất ngờ. Kết thúc có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau cũng là một điểm vô cùng đặc sắc của bộ phim.
(Giải thích kết thúc phim: bôi đen để thấy:
Cách 1: Everyone can be made to kill, nghĩa là trong hoàn cảnh nhất định, ai cũng có thể giết người dù người ta có nhân cách và hành động trước đó có tốt đẹp đến nhường nào. Tay đạo diễn sau cùng cũng giết tình nhân, cho dù trước đó đã cho rằng mình chán ghét vợ đến thế nào, chung quy cũng chỉ vì hắn yêu hình tượng đẹp đã mà mình đã tạo ra.
Cách 2: Thật ra kẻ lạ mặt chính là một nhân cách khác của đạo diễn, tìm cách giải phóng mình khỏi cuộc sống hào nhoáng mà giả tạo hiện có. )
Chỉ trong 45 phút mà có thể chuyển tải được diễn biến lôi cuốn, cảnh quay đẹp, tính cách nhân vật thú vị và có chiều sâu, đồng thời xen lẫn là những tình tiết trào phúng gây cười, Cut rõ ràng là một phim ngắn rất xuất sắc.
Sau khi mở đầu chậm rãi với Dumpling, cao trào với Cut, Box của Takeshi Miike đưa người xem về một không khí chậm rãi có phần u buồn, khắc họa làn khói mỏng manh giữa mơ và thực, thực và mơ. Box khắc họa câu chuyện của nữ nhà văn trẻ người luôn bị ám ảnh bởi một câu chuyện đáng tiếc trong quá khứ. Vì tính đố kỵ mà người em (vốn là nữ nhà văn triển vọng sau này) đã nhốt người chị sinh đôi của mình trong chiếc hộp và vô tình làm đổ dầu gây cháy cả gánh áo thuật. Box khắc họa ba giấc mơ đi về quát khứ của người em, trong đó giấc mơ cuối cùng được đẩy lên cao trào nhất: Người em quay trở về gánh ảo thuật rong, đối mặt với người chị và sau đó bị nhốt và chôn sống trong một chiếc hộp giống như người chị năm xưa. Vừa lúc đó, người em tỉnh dậy từ giấc mơ và nhận ra một sự thật còn khủng khiếp hơn ...
Box thể hiện rõ dấu ấn điện ảnh của đạo diễn Takeshi Miike. Với các tông màu đậm, cách tạo hình nhân vật ấn tượng, các cảnh phim cô liêu tạo cảm giác ghê người, kết thúc phim bất ngờ, Box thật sự là một phim đẹp, để lại nhiều khắc khoải cho người xem. Như Freud đã nói: "Mỗi giấc mơ tiết lộ về bản thân như một cấu trúc tâm lý có ý nghĩa và được gắn với những hoạt động tâm thần của cuộc sống thật", những giấc mơ điên rồ nhất chính là những giấc mơ thật nhất về mỗi con người.
(Giải thích kết thúc phim: bôi đen để thấy: Thật ra người em không hề giết người chị, mà hai chị em vốn là hai chị em sinh đôi dính liền nhau, người em mơ đã giết người chị để có thể giải phóng chính mình, vì người em luôn khao khát người biên tập viên (nam) - cũng chính là hình tượng người hướng dẫn trong rạp xiếc, nhưng vì có người chị nên người em a) không thể viết được, như chi tiết ở đầu phim, b) không thể có được người đạo diễn)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Mình sẽ xem phim này. Cảm ơn bạn nhé :D
ReplyDelete