May 15, 2009

[Review] Phim Little Miss Sunshine


Marcel Proust tuyên bố thời gian tốt đẹp nhất trong cuộc đời là những năm tháng anh ta gặp bất hạnh. Bạn có biết Marcel Proust là ai không? Nói như nhân vật Frank trong bộ phim Little Miss Sunshine thì Proust là một kẻ chưa bao giờ có một công việc thật sự, thất bại trong yêu đương, bỏ ra 20 năm viết một cuốn sách không ai thèm đọc. Thế nhưng anh ta lại là nhà văn xuất sắc nhất kể từ Shakespeare. Chỉ từ câu nói rất không bình thường của Frank - chúng ta có thể hình dung về Little Miss Sunshine - bộ phim trào phúng rất thú vị xoay quanh một gia đình Mỹ tòan những người không bình thường, hay nói đúng hơn, không ai "giả vờ bình thường".

Một cô bé Olive bị ám ảnh bởi việc thi hoa hậu nhí ; một người cha ám ảnh bởi việc thành công với chương trình "Chín bước đến thành công" mà ông tạo ra; một người mẹ bất lực trong việc giữ cho gia đình không đổ vỡ, một cậu trai mới lớn sùng bái Nietszche, khinh bỉ con người cùng với lời nguyền sẽ không nói chuyện với ai cho đến khi được nhận vào trường Không quân Mỹ ; một ông chú vừa thất bại trong việc tự tử do thất bại trong chuyện tình cảm; và một ông nội nghiệp ngập heroin.

Bộ phim bắt đầu từ cảnh cả gia đình cùng ăn trưa và Olive đặt những câu hỏi "không phù hợp" về những vết cắt chằng chịt trên cánh tay của chú Frank. Những câu hỏi này gây nên mâu thuẫn đầu tiên trong gia đình - khi bố Richard từ chối cho em biết - một cách giáo dục rất truyền thống khi người lớn che dấu những điều mà họ nghĩ trẻ em không nên biết. Trong khi đó chú Frank lại thẳng thắn nói cho em tại sao lại tự tử và cuộc sống đồng tính phức tạp của mình. Theo Frank - trao đổi tốt hơn lấp liếm, vì đằng nào sau này bọn trẻ cũng biết, tốt nhất nên có sự định hướng ngay từ đầu. Tiếp sau, khi nhận tin Olive được chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi hoa hậu nhí, Richard quyết định cả gia đình sẽ đưa em đi thi trên chiếc xe bus con. Chuyến đi sau đó đầy những tranh cãi, xuất phát từ những mâu thuẫn trong quan niệm sống của các thành viên trong gia đình.


Kết thúc cuộc hành trình là cuộc thi hoa hậu nhí Ánh Dương, nơi những đứa trẻ ăn mặc diêm dúa, hành xử như người lớn, làm điệu gợi cảm, không còn nét ngây thơ trong sáng của những đứa trẻ chưa kịp lớn. Tại cuộc thi, Olive hòan tòan khác biệt với những cô bé giả ngây ngô chính vì bài thi tài năng "nhảy thóat y" mà ông nội đã hướng dẫn cho em. Nhìn những động tác hồn nhiên của em, người xem không khỏi bật ra tràng cười ý nhị. Xây dựng bài múa như vũ nữ thóat y, các nhà làm phim muốn thể hiện quan điểm chống lại những cuộc thi hoa hậu nhí - chẳng khác nào quá trình biến các em nhỏ trở thành những biểu tượng sex. Từ những cuộc thi này, danh tiếng và tiền bạc có thể đạt được, nhưng hậu quả lâu dài thì không ai lường trước được. Các em phải cư xử như những cô người mẫu chuyên nghiệp, thời gian chỉ còn là vấn đề khi các em bắt đầu nổi lọan và mất dần khả năng kiểm sóat hành vi của chính mình.

Lồng ghép những vấn đề xã hội nóng bỏng, Little Miss Sunshine vẫn đậm đà bản chất nhân văn, thể hiện rõ ràng nhất là ở tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Lần đầu trông thấy Olive, người xem không hiểu được tại sao cô bé lại có thể tham gia cuộc thi hoa hậu nhí. Olive không đẹp, hay không muốn nói là ngọai hình quá ngọai cỡ so với tiêu chuẩn thường thấy của các thí sinh hoa hậu; ngòai ra Olive còn đeo kính cận. Thật khó tin nếu Olive chiến thắng, nhưng gia đình vẫn luôn sát cánh bên em. Nghe những lời giáo huấn từ bố Richard: "Trên đời này, chỉ có 2 lọai người. Kẻ chiến thắng, và kẻ chiến bại", Olive lo lắng trước khi thi. Thế nhưng, nghe lời khuyên từ ông nội: "Những kẻ nghĩ rằng mình thua cuộc nên không chịu cố gắng mới chính là những nghe thất bại thật sự", Olive bước lên sân khấu với niềm tin và quyết tâm cháy bỏng. Nhiều người cảm thấy phản cảm và chống đối lại bài thi nhảy thóat y của Olive, nhưng gia đình vẫn đứng lên vỗ tay rất to và ủng hộ cho em. Thậm chí, họ còn nhảy cả lên sân khấu để cùng minh họa cho em, mặc kệ người khác nghĩ gì. Lẽ dĩ nhiên, khi không đi theo "lề phải", Olive và gia đình phải rời bỏ cuộc thi, thế nhưng niềm tin trong họ vẫn không thay đổi. Gia đình vẫn sát cánh và ủng hộ cho thành viên nhỏ tuổi, đáng yêu nhất của mình. Anh Dwayne nói với Olive: "Ông nội sẽ rất tự hào về em đấy!".

Olive không phải là thành viên duy nhất phải trải qua thất bại nặng nề trong chuyến đi này. Dwayne - cậu con trai thiếu niên của gia đình Hoover - sụp đổ hòan tòan khi biết mình mù màu - đồng nghĩa với việc ước mơ trở thành phi công giờ đây trở thành vô nghĩa. Dwayne hét lên : "Tôi không muốn là một phần của gia đình này ! Tôi ghét mấy người ! Ly dị ! Phá sản ! Tự tử ! Tòan một lũ thất bại". Chuyến đi để tham dự cuộc thi hoa hậu nhí của Olive tưởng chừng như sẽ bị hủy khi Dwayne từ chối đi tiếp cùng mọi người. Thế nhưng, chỉ cần Olive ngồi xuống ôm chặt anh trai, Dwayne thay đổi quyết định. Tôi không biết chính xác Dwayne nghĩ thế nào, nhưng tôi cảm nhận được sự hy sinh lớn lao từ Dwayne. Đôi khi, bạn buộc mình phải vững vàng để có thể trở thành điểm tựa cho người khác. Thật khó khăn khi Dwayne phải từ bỏ ước mơ của mình, nhưng càng khó khăn hơn để vượt qua những ý nghĩa cho bản thân, vượt qua nỗi thất vọng để Dwayne có thể giúp Olive đạt được ước mơ của cô bé. Một thông điệp thật ý nghĩa mà các nhà làm phim truyền tải cho người xem : Dù gia đình bạn có thế nào, điều quan trọng là phải giúp nhau vượt qua khó khăn, vì thật ra, gia đình là tất cả những gì bạn có.

Khi Olive đang chuẩn bị cho màn biểu diễn trên sân khấu, Dwayne nói chuyện cùng chú Frank. Và cũng từ trong hòan cảnh này, Marcel Proust xuất hiện như đã đề cập lúc đầu. Vì sao những năm tháng bất hạnh lại là thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của Proust, vì nó mà Marcel trưởng thành. Những năm hạnh phúc ? Không, anh ta không học được gì cả, một sự lãng phí lớn đấy - Frank nói khi nghe Dwayne thổ lộ về ước muốn: "ước gì ngủ một lúc thì hết cấp 3". High school là khỏang thời gian đầu tiên mà cháu sẽ phải trải qua nhiều đau đớn đấy. Nghĩ về những điều bất hạnh đó đi. Nếu cháu không muốn học cấp 3, cháu sẽ không có được tất cả kinh nghiệm quý gia đó!

Cuộc hành trình đưa Olive dự thi không chỉ là cuộc thi hoa hậu nhí, mà dường như là hành trình cho mỗi thành viên của gia đình Hoover trong việc tìm lại những mục đích thật sự của mình - ví như Dwayne đã nói : "Cuộc đời chỉ là những cuộc dự thi hoa hậu, hết cái này đến cái khác". Khi bắt đầu, bố Richard dựa vào khái niệm "thua cuộc" và "thắng cuộc" để phân lọai con người, gợi cho ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của thống đốc bang California, cựu diễn viên nổi tiếng Arnold Schwarzengergger : "Nếu có một điều làm tôi khinh bỉ, đó chính là những kẻ thất bại". Bộ phim phơi bày một sự thật trần trụi về một xã hội thắng hoặc thua, nơi mà mọi người được đánh giá dựa trên những kết quả, những giải thưởng, những công việc họ đạt được. Quá trình chỉ là một con zero tròn trĩnh. Thế nhưng, khi kết thúc phim, cả gia đình đều đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức của mình. Bố Richard khen ngợi Olive mặc dù trong thực tế, cô bé không dành chiến thắng trong cuộc thi. Cậu con trai Dwayne thì nói với chú Frank : "Không cần quan tâm đến trường Không quân vớ vẩn. Nếu cháu muốn bay, cháu sẽ tìm được cách để bay!"

Với 5 nhân vật chính có cá tính hòan tòan khác nhau, dường như biên kịch và đạo diễn đã ngẫm nghĩ về tất cả những giai đọan phát triển trong cuộc đời của mình và tạo nên các nhân vật để thể hiện chúng. Hay nói khác hơn, bộ phim phần nào thể hiện quan niệm của các nhà làm phim. Cũng như Dwayne - với ý chí sắt đá về ước mơ của mình - đội ngũ sản xuất đã mất đến hơn 5 năm để thực hiện bộ phim với chi phí 8 triệu dollar vô cùng ít ỏi. Thành công đến không tự nhiên mà do nỗ lực. Bộ phim được giới chuyên môn đánh giá rất cao, với 48 đề cử và 41 lần dành chiến thắng ở các hạng mục trong các liên hoan phim quốc tế, mà đáng kể nhất là 2 giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất và biên kịch xuất sắc nhất.

Viết năm 2009.

No comments:

Post a Comment