June 6, 2011

Quan hệ đồng tính và người chuyển giới tại Nhật Bản



Nhật Bản là một trong những quốc gia cởi mở nhất về tình dục trên thế giới. Quan điểm, tập quán, nền công nghiệp tình dục khác giới và đồng giới hiện diện khắp mọi nơi tại Nhật Bản. Sự chấp nhận của xã hội dành cho quan hệ đồng giới và người chuyển giới được phát hiện từ thế kỷ 16 tại Nhật Bản. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, những nỗ lực bình thường hóa quan niệm xã hội dành cho quan hệ đồng giới và người chuyển giới bắt đầu trong thời gian gần đây và thu được những thành quả khiêm tốn. Sự khác nhau giữa hai xã hội bắt đầu từ sự khác nhau trong quan điểm về cơ thể con người. Bài viết dưới đây sẽ so sánh sự khác biệt giữa quan điểm về cơ thể con người và trình bày về sự phổ biến của quan hệ đồng giới và người chuyển giới Nhật Bản thông qua phong tục, sự phát triển ngôn ngữ, văn hóa đại chúng và thời trang.

Ảnh: Ai Haruna, một trong người chuyển giới nổi tiếng nhất tại Nhật, xuất hiện rộng rãi trong nhiều chương trình truyền hình, báo đài

Quan điểm phương Tây cho rằng cơ thể người là biểu hiện của tội lỗi trong khi quan điểm Nhật Bản cho rằng cơ thể người là biểu hiện của nghệ thuật. Nhà xã hội học Shinji Miyada giải thích sự phổ biến của các chương trình biểu diễn cơ thể người (sex show) tại Nhật từ quan điểm trên và đặc tính cộng đồng cao trong xã hội Nhật Bản. Vì nghệ thuật cần được chia sẽ trong cộng đồng, các chương trình biểu diễn, từ những hình thức cao cấp trong các nhà hát hay bình dân trong các quán bar, luôn thu hút một lượng lớn khán giá (1).

Lời giải thích tương tự có thể áp dụng trong trường hợp của “nantaimori”, thưởng thức sushi trên cơ thể nam giới; hoặc “nyotaimori”, thưởng thức sushi trên cơ thể nữ giới. “Nyotaimori” vẫn tồn tại như một hình thức thưởng thức và giải trí ẩm thức hiếm có và độc đáo tại Nhật hoặc những nơi không xem việc khỏa thân là phạm pháp. Sushi vốn là món ăn truyền thống, là biểu tượng và sứ giả văn hóa của Nhật. Sushi sẽ không bao giờ được trình bày trên cơ thể con người nếu xã hội Nhật Bản cho rằng khỏa thân là biểu hiện tiêu cực. Thưởng thức sushi trên cơ thể người là sự trân trọng hai biểu tượng đẹp trong văn hóa Nhật: cơ thể người và sushi; đồng thời là cách tổ chức những buổi họp mặt xã hội. Ngược lại, tại phương Tây, hình thức giải trí ẩm thực này được xem là một hành vi xâm hại cơ thể và phân biệt giới tính đối với phụ nữ (2).

Một điểm khác biệt trong giá trị Nhật Bản và Tây phương là quan điểm về trang phục. Quan điểm Tây phương cho rằng trang phục dùng để che lấp và giảm bớt sự tội lỗi của cơ thể trong khi quan điểm Nhật Bản cho rằng trang phục tồn tại như biểu hiện văn hóa độc đáo và tách bạch đối với cơ thể (3). Kimono là trang phục truyền thống và được trân trọng trong xã hội Nhật. Trình tự mặc kimono được xem là một biểu hiện của nghệ thuật và văn hóa. Người Nhật vốn chỉ mặc kimono ngoài cơ thể và không có lớp lót. Điều này một lần nữa ủng hộ cho luận điểm về sự trân trọng của văn hóa Nhật Bản dành cho cơ thể người. Nếu người Nhật cho rằng cơ thể người là biểu hiện của tội lỗi, họ sẽ không để Kimono tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người mà không có lớp lót.

Sự phân biệt giữa cơ thể nam giới và nữ giới tạo nên sự khác biệt sâu hơn giữa quan điểm về cơ thể người giữa Tây phương và Nhật Bản. Quan điểm Nhật Bản không phân biệt cơ thể nam giới hay nữ giới. Rất nhiều tác phẩm từ giai đoạn Edo (1603–1868) miêu tả các kỹ thuật giao hoan giữa các cơ thể không thể phân biệt giới tính (4). Gần đây, sự phổ biến của xu hướng thời trang “unisex” biểu hiện quan điểm trên. Một người đàn ông luôn có tính nữ và một người phụ nữ luôn có tính nam. Thời trang unisex biểu hiện sự hòa hợp giữa các giới tính trong một cơ thể, đồng thời khẳng định sự nhận thức về một cơ thể hoàn hảo chỉ xuất hiện nếu một người có khả năng trân trọng sự “khác biệt”/”trái ngược” của bản thân.

Khác biệt về sự phân biệt cơ thể nam và nữ giữa Tây phương và Nhật Bản giải thích cho sự khác biệt về quan điểm giữa hai xã hội này về đồng tính và chuyển giới. Xã hội phương Tây cho rằng cơ thể con người và các hình thức quan hệ thể xác là điều tội lỗi. Các nhánh tôn giáo nghiêm khắc nhất, ví dụ như “the Church of Jesus Christ of Latter day Saints” tuyệt đối nghiêm cấm các tín đồ quan hệ tình dục trước hôn nhân hoặc sự phơi bày thân thể (5). Ngược lại, quan hệ thể xác hoặc phơi bày thân thể được thể hiện rộng rãi trong xã hội Edo với các hình thức văn hóa đại chúng như âm nhạc, kịch, tranh vẽ.

Hơn nữa, sự phân biệt cơ thể nữ giới càng làm tăng sự kỳ thị dành cho đồng tính và chuyển giới tại phương Tây. Aristotle, một trong những nhà triết học đặt nền móng cho triết học phương Tây, đã khẳng định cơ thể nữ giới chỉ là phiên bản hỏng của cơ thể nam giới (6). Quan điểm này đồng thời trở thành quan điểm giới tính. Vì vậy, sự thay đổi từ vị trí chiếm ưu thế (nam) thành vị trí chịu thiệt thòi (nữ) trong quan hệ đồng giới là đi ngược với chuẩn mực truyền thống và quan điểm về tạo hóa trong xã hội phương Tây. Trong khi đó, vì Nhật không phân biệt cơ thể người dựa trên giới tính, các quan hệ đồng giới vốn không được xem là bất bình thường trong xã hội.

Hoàn cảnh lịch sử Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự chấp nhận của xã hội dành cho quan hệ đồng tính và người chuyển giới. Lòng trung thành là một trong những phẩm chất được xem trọng nhất trong xã hội. Trong quân đội, quan hệ đồng tính giữa các nam quân nhân, gọi là “senyai”, được xem là một trong những biểu hiện của lòng trung thành và tinh thần đồng đội.

Bên cạnh đó, quan hệ đồng tính nữ cũng trở nên phổ biến từ thời Edo. Trong thời Edo, mỗi Daimyo (tướng lĩnh) cai quản một địa phương, tuy nhiên họ bắt buộc phải sống ít nhất sáu tháng trong một năm tại Edo (thủ đô Nhật Bản, ngày nay được biến đến với tên gọi Tokyo) cùng với gia đình. Chính sách này do các Shogun (tướng quân) ban hành với mục đích kiểm soát hoạt động và phòng tránh những sự phản bội của các Daimyo tại địa phương. Chính vì thế, vợ và nữ hầu nữ của các Daimyo thường xuyên không được đáp ứng nhu cầu về tình dục. Tuy nhiên, những người phụ nữ này không thể tìm kiếm sự đáp ứng từ các nam nhân khác, vì hành động ngoại tình được xem là phản bội, ảnh hưởng đến danh dự của các Daimyo và dẫn đến cái chết. Chính vì thế, những người phụ nữ này thường thủ dâm hoặc quan hệ thể xác với những người phụ nữ khác. Cuốn sách “Kỹ thuật bí mật” (Hiji-shaho) là một trong những hướng dẫn phổ biến nhất về thủ dâm và giao hoan dành cho phụ nữ tại giai đoạn đó (7)

Sự sắp xếp cấu trúc xã hội dưới thời Edo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chấp nhận của xã hội dành cho đồng tính và chuyển giới. Dưới sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng Neo-Confucianism, xã hội Nhật Bản dưới thời Edo được sắp xếo theo các giai cấp từ trên xuống thấp một cách chặt chẽ và khó thay đổi (8). Trong đa số các trường hợp, một người sẽ mặc nhiên thừa hưởng vai vế của bố mẹ mà không cần quan tâm đến năng lực hay hoàn cảnh kinh tế. Một người có bố mẹ là tiểu thương thì sẽ mặc nhiên được xếp vào giai cấp tiểu thương. Rất khó để hai người thuộc hai giai cấp khác nhau có những mối quan hệ với nhau. Tuy nhiên, quan hệ đồng tính đặc biệt lại không cấm cản những người thuộc các giai cấp khác nhau: một người có thể có quan hệ với một người thuộc giai cấp thấp hơn. Những luật lệ hay chỉ dẫn đạo đức giữa các mối quan hệ đồng tính thuộc các giai cấp khác nhau được gọi là “nanshoku”, một chữ ghép của “đàn ông” và “dục tính” (9). Có thể nói, quan hệ đồng tính được xem như biểu hiện của ước muốn về điều kiện cuộc sống tốt hơn và nhu cầu về một xã hội cho phép sự luân chuyển giữa các giai cấp

Sau giai đoạn Edo, sự chấp nhận của xã hội dành cho quan hệ đồng giới và người chuyển giới đã trở nên dè dặt hơn vì sự xâm thực văn hóa Tây phương trong giai đoạn Minh Trị duy tân và quá trình toàn cầu hóa (10). Sau khi triều đại Edo sụp đổ vào năm 1868, giai đoạn Minh Trị duy tân bắt đầu và tiến hành kế hoạch xây dựng đất nước theo mô hình xã hội phương Tây. Như đã phân tích, xã hội phương Tây xem đồng giới và chuyển giới là những điều trái ngược với tạo hóa và đạo đức; và chính các quan điểm này đã góp phần thay đổi thái độ của xã hội Nhật Bản, và làm cho sự chấp nhận dành cho đồng giới và chuyển giới tại Nhật không còn mạnh mẽ như trước kia.

Bên cạnh đó, trong quá trình toàn cầu hóa, đại dịch AIDS, vốn được cho rằng bắt đầu từ quan hệ đồng giới nam, cũng ảnh hưởng đến quan điểm của xã hội Nhật dành cho đồng tính và chuyển giới. Cho dù ngày nay, đồng tính và chuyển giới vẫn được chấp nhận tại xã hội Nhật Bản, nhưng độ phổ biến đã giảm đi rất nhiều. Tại thời điểm này, hệ thống luật Nhật Bản vẫn chưa công nhận quan hệ đồng giới (11). Hầu hết những người chuyển giới làm việc trong ngành công nghiệp giải trí vì các thủ tục trong ngành công nghiệp này tương đối dễ dàng hơn so với các ngành khác (12)

Trong sự phát triển của ngôn ngữ Nhật Bản khá nhiều từ được dùng để diễn tả về đồng tính và chuyển giới, và một vài trong số đó bao hàm cả sự chấp nhận của xã hội và biểu trưng của cái đẹp. Trong thời Edo, “shudo” (đường lối của tuổi trẻ) được dùng để miêu tả những quy định giữa mối quan hệ đồng tính nam. Các từ thông dụng khác bao gồm “doseiai” (tình yêu đồng giới) và “senyai” (tình yêu của anh em trai, tiếng Anh hay gọi là bromance) (13) Trong thời hiện đại, từ phổ biến nhất là “gei” là phiên âm của từ “gay” trong tiếng Anh. Cách dùng “gei” trong tiếng Nhật đặc biệt khác hoàn toàn so với cách dùng từ “gay” trong tiếng Anh. “Gay” hay được dùng để diễn tả một vật hay một người bệnh hoạn, vô dụng trong một số ngữ cảnh. Trong khi đó, “gei” được hiểu trong ngữ cảnh Nhật là sự trân trọng của vẻ đẹp. Từ “gei” ở đây có chung gốc viết với “gei” trong “geisha”, mang hàm ý nghệ thuật, vẻ đẹp. Những từ ngữ thông dụng khác bao gồm “danshopede”, “buruboro” (chàng trai xanh), “nyu hafu” (nửa mới — new half), “Mr redi” (cậu nữ), và những từ này không mang nghĩa tiêu cực hay có tính lăng mạ dành cho người đồng giới hoặc chuyển giới tại Nhật.

Bên cạnh đó, các sản phẩm văn hóa đại chúng kể từ thời Edo đến nay cũng diễn tả sự chấp nhận của xã hội Nhật dành cho người đồng giới và chuyển giới. Từ thế kỷ 16, Kabuki, thể loại kịch truyền thống của Nhật chỉ sử dụng nam diễn viên (14). Bộ phim truyền hình “Hanazakari no Kimitachi e” (hay còn gọi là Hana Kimi, “Dành tất cả vì bạn trong mùa hoa nở) thể hiện khá nhiều các phân đoạn về đồng tính và chuyển giới. Bộ phim dành chiến thắng nhiều hạng mục quan trọng tại Giải thưởng truyền hình Nhật Bản lần thứ 54 (Japanese Television Drama Academy Awards) và đạt hiệu suất người xem cao, là một minh chứng cho sự chấp nhận của xã hội dành cho đồng giới và chuyển giới tại Nhật Bản. Các ban nhạc thần tượng quốc dân Nhật Bản (idol) như Arashi hay Kanaji8 cũng nhiều lần xuất hiện trong trang phục nữ giới. “Visual kei”, một chuyển động thời trang và âm nhạc, cũng thể hiện ranh giới mờ nhạt giữa cách thể hiện giới tính tại Nhật. Những người theo đuổi Visual kei thường trang điểm rất đậm, nhuộm tóc thành nhiều màu như hồng, đỏ, xanh, …

Đồng tính và chuyển giới cũng được thể hiện trong manga (truyện tranh) và anime (hoạt hình) tại Nhật. Chúng được phân vùng thành các thể loại như “shounen-ai” (tình yêu nam), “yaoi” (một nhánh với nội dung tương tự nhưng cách thể hiện bạo hơn shounen-ai), “yuri” (tình yêu nữ); và các thể loại này được sản xuất trong cả thị trường đại chúng hay dùng cách phân phối có kiểm duyệt. Bộ truyện tranh M.W của Ozamu Tesuka, người được xem là cha đẻ của manga hiện đại (15), phác họa mối quan hệ đồng tính nam giữa hai thanh niên sống sót sau cuộc thử vũ khí. Một tác phẩm nổi tiếng khác là Ranma ½ (Ranma Nibun-no-Ichi) của Rumiko Takahashi (4). Câu chuyện quay xung quanh một thanh niên có khả năng biến đổi thân thể giữa nam và nữ. Nhiều tác phẩm với nội dung và cách thể hiện nặng hơn được phân phối trong những điều kiện đặc biệt. Manga và anime là hai thành phần văn hóa quan trọng và tạo nhiều lợi nhuận cho nền kinh tế. Xem xét việc nội dung về đồng tính và chuyển giới được thể hiện rộng rãi trong manga và anime, ta có thể thấy được đồng tính và chuyển giới không được xem là hiện tượng bất bình thường trong xã hội Nhật.

Sự ảnh hưởng của đồng giới và chuyển giới tại Nhật Bản gần đây được thể hiện rõ nét hơn tại quốc gia láng giềng, Hàn Quốc. Văn hóa truyền thống của Hàn Quốc không chấp nhận đồng giới và chuyển giới là một hiện tượng bình thường trong xã hội (16). Tuy nhiên, mức độ chấp nhận của xã hội Hàn Quốc ngày càng tăng cao. Harisu, người mẫu và ca sĩ chuyển giới, vừa kết hôn và thu hút được sự chú ý và hâm mộ nhất định tại Hàn Quốc. Các thần tượng hàng đầu Hàn Quốc như BIGBANG, Super Junior, hay EXO gần đây đã xuất hiện trong trang phục nữ giới và đảm nhiệm các vai nữ giới trong những vở kịch ngắn. Nền giải trí Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có ảnh hưởng đến các quốc gia gần đó như Trung Quốc, Singapore, Việt Nam. Điều này có thể dần nâng cao sự chấp nhận trong xã hội về đồng giới và chuyển giới tại các quốc gia này.

Sự phổ biến của đồng giới và chuyển giới tại Nhật Bản không chỉ là một biểu hiện giới tính nhưng là sự tổng hợp của quan điểm truyền thống, thành phần kết cấu xã hội và quan hệ với phương Tây. Mặc dù người đồng tính và chuyển giới vẫn được chấp nhận trong xã hội, tuy nhiên đồng tính và chuyển giới vẫn được xem là nhóm thiểu số. Vì thế, sự hợp thức hóa quyền lợi và nghĩa vụ dành cho người đồng giới và chuyển giới tại Nhật Bản cần được tiến hành mạnh hơn trong tương lai. Những nỗ lực này, nếu được tiến hành thành công, sẽ là thông điệp tích cực gửi đến hàng triệu người trên thế giới, những ai còn đang đối mặt với bạo lực và sự xua đuổi của xã hội vì giới tính của mình.

Viết năm 2011

Tham khảo
(1): “Sex in Japan”, BBC, http://www.youtube.com/watch?v=sUGY5UIG28c.
(2): Julie Bindel, “I am about to eat sushi off a naked woman’s body,” Guardian, February 12, 2010, http://www.guardian.co.uk/lifeandstyle/2010/feb/12/nyotaimori-eating-sushi-naked-woman.
(3) & (4): Rajyashree Pandey, “Reconfiguring sex, body and desire in Japanese modernity,” Postcolonial Studies 12, no. 3 (2009): 289–301.
(5): Honor code statement of Brigham Young University, Brigham Young University — Hawaii, Brigham Young University — Idaho, and LDS Business College Brigham Young University, http://saas.byu.edu/catalog/2010-2011ucat/GeneralInfo/HonorCode.php#HCOfficeInvovement.
(6): Gwyn Kirk and Margo Okazawa-Rey, Women’s Lives: Multicultural Perspectives (McGraw-Hill Humanities/Social Sciences/Languages, 2009).
(7): Anne Walthall, “Masturbation and Discourse on Female Sexual Practices in Early Modern Japan,” Gender & History 21, no.1 (2009): 1–18.
(8): William E. Deal, Handbook To Life In Medieval And Early Modern Japan (Facts on File, 2005).
(9) & (10): Mark McLellanda and Katsuhiko Suganuma, “Sexual minorities and human rights in Japan: an historical perspective,” The International Journal of Human Rights 13, no.2–3 (2009): 329–343.
(11): Claire Maree, “Same-Sex Partnerships in Japan: Bypasses and Other Alternatives,” Women’s Studies 33 (2004):541–549.
(12): Vera Mackie, “How to Be a Girl: Mainstream Media Portrayals of Transgendered Lives in Japan,” Asian Studies Review 32, (2008): 411–423.
(13): Mark McLellanda and Katsuhiko Suganuma, “Sexual minorities and human rights in Japan: an historical perspective,” The International Journal of Human Rights 13, no.2–3 (2009): 329–343.
(14): Charles Isherwood, “Guilty Pleasures of Comic Kabuki”, New York Times, July 19, 2007, http://theater.nytimes.com/2007/07/19/theater/reviews/19kabu.html.
(16): Charles Solomon, “Anime, mon amour,” Advocate 900, (2003).
(17): Young-Gwan Kim & Sook-Ja Hahn, “Homosexuality in ancient and modern Korea,” Culture, Health & Sexuality 8, no.1 (2006): 59–65.

2 comments:

  1. Bé Lan cưng, hình manga đó ko phải là SA hay Yaoi gì đâu :)) (anh nam hun chị nữ đó) - Manga tên là Nàng tiên ánh trăng.

    ReplyDelete
  2. Huhuhu, tui đã xóa hình! Thank bà nhé :">

    ReplyDelete