May 30, 2009

[Review] Gridiron Gang


Đó là lề trái xã hội chúng ta nghe nói đến, nhưng chưa bao giờ có cơ hội tiếp xúc. Gridiron Gang xoay quanh câu chuyện tại Vernon Kilpatrick – trại quản giáo tiểu bang California. Sean Porter và Malcolm Moore, hai quản trại tâm huyết đề ra ý tưởng thành lập một đội bóng bầu dục để cảm hóa các em. Với kinh nghiệm của một vận động viên từng chơi cho giải chuyên nghiệp, Malcolm hiểu rằng : Thể thao không chỉ đơn thuần là thể thao, nó dạy cho các em ý nghĩa của tinh thần đồng đội, một cái đầu lạnh và một trái tim nóng.

Điều tôi cảm thấy thích thú ở bộ phim này là tính chân thật và độc đáo của nó. Bạn nghĩ gì về các em trong trại giáo dưỡng? Hư đốn, ngỗ ngược. Bộ phim đem lại cho bạn cách nghĩ khác. Các thanh thiếu niên trong trại, dù mắc tội danh gì chăng nữa, các em cũng chỉ là trẻ em, chưa phát triển tòan diện về mặc nhận thức. Hầu hết thiếu thốn tình cảm gia đình, sống trong những khu ổ chuột, dễ dàng ảnh hưởng từ các băng đảng tội phạm. Nói cho cùng, các em cũng chỉ là nạn nhân .Cuộc đời trước đó có lẽ quá dễ dàng, dao, kiếm, vài lời qua lại, một trận đánh hỗn độn. Nhưng khi thua cuộc lần đầu tiên khi thi đấu với trường Barrington, hiểu được thất bại khi đã dành nhiều nỗ lực tập luyện, các đại ca bật khóc như những đứa trẻ.Kenny Bates nói : “Em biết em từng là một thằng không ra gì. Nhưng em đang thay đổi”. Hay hài hước hơn Willie Weathers : "Chơi bóng cũng kiếm được nhiều tiền như bán ma túy vậy. Nhưng cảm giác thì tốt hơn nhiều".

Tôi từng đọc một bài phóng sự rất hay, chị phóng viên khi vào trại giáo dưỡng Việt Nam đã được một cậu bé hỏi như thế này: “Khi ra tù, liệu em có được vào làm trong công ty nhà nước hay không ?”



Cuộc đời không là màu hồng. Khi kết thúc chương trình tập luyện, Michael Black thi đấu cho đội Seattle Seahawks, Kenny Bates bán hàng, và hiện nay vẫn thương xuyên ghé thăm trại. Một vài thành viên tìm được việc làm ổn định, những người khác, trở về trại giam hoặc bị bắn chết trong những cuộc thanh tóan đẫm máu trên đường phố. Tuy nhiên, ít nhất cũng ta đã có một sự thay đổi. Chúng ta nên nhớ rằng, băng đảng là một vòng tròn bạo lực lẩn quẩn, và cần có một người dám thách thức để thay đổi điều đó.

Sau chương trình tại Kilpatrick, huấn luyện viên Sean Porter tiếp tục phát triển chương trình tại vùng phía Bắc nước Mỹ. Malcom làm cho tòa óan vị thành niên, và cựu ngôi sao bóng bầu dục tại UCLA Dereck Ayres tiếp nối tinh thần, trở thành huấn luyện viên mới tại trại giáo dưỡng Kilpatrick hật không quá khi tôi gọi 2 người quản trại ở đây là những anh hung của thời đại hôm nay. Họ dành nhiều tình thương cho những đứa trẻ mà phần nhiều xã hội xa lánh. Họ giúp các em lấy lại sức mạnh và niềm tin vào bản thân “Trên sân tập, các em làm theo cách của tôi, không phải cách của các em. Cách của các em mang các em vào đây. Tôi không biết các em từ băng đảng nào, nhưng ở đây, các em là một đội. Họ hiểu rằng : 75% đứa trẻ ngày hôm nay sẽ quay trở lại nhà tù, hay tệ hơn, sống chết vất vưởng ở một nơi nào đó.


Cứ gọi tôi là người mơ mộng, nhưng tôi tin rằng thế giới của chúng ta có thể thay đổi, bắt đầu từ những con người nhỏ bé. Tất cả chúng ta đều giống nhau, đều từng mắc lỗi lầm, nhưng quan trọng nhất, chúng ta có tình thương và niềm hy vọng làm hành trang cho chuyến đi cuộc đời.


Tôi gọi bộ phim này là nỗi đau của thế hệ. Tôi may mắn được lớn lên trong một môi trường tốt. Trong khi những con người gây tội ác đấy, là những người chỉ ở độ tuổi của tôi. H. 17 tuổi, đâm chết người trên phố Pháo Đài Láng, học sinh lớp 12 tại Hà Tĩnh đánh chết bác bảo vệ vì sợ bị phát hiện khi đang trộm gái, em gái 14 tuổi giết chết bé hàng xóm lấy tiền chơi game. Tôi khó lòng hình dung hay cảm nhận được những gì các bạn đã và đang trải qua. Chính vì thế, tôi cám ơn bộ phim này, nó mang đến cho tôi một cái nhìn chân thật và sống động về những thế giới ngầm của xã hội. Tôi hy vọng, bạn, và tôi, sẽ đủ dũng cảm và yêu thương để đón nhận “những người bạn”, “những người em” của mình với tấm lòng khoan dung khi họ hòan lương trở về với đời.

2 comments: