October 27, 2019

Money Talk: Sử dụng dịch vụ đầu tư tự động (robot advisor) tại Nhật - Review THEO



Robo Advisor là hình thức đầu tư đơn giản, thuận tiện, thích hợp với những người không có nhiều thời gian tìm hiểu về tài chính. Bạn chỉ cần nhét tiền vào tài khoản, mọi việc khác cứ để robot lo!

Đầu tư là gì? 
Ngắn gọn nhất, đầu tư là dùng tiền mua cổ phiếu, trái phiếu, và hy vọng bạn sẽ bán được số cổ phiếu/trái phiếu này ở giá cao hơn lúc mua, và ăn tiền lời. 

Cổ phiếu có thể hiểu là "chủ sở hữu". Khi mua cổ phiếu của một công ty, bạn trở thành một trong những chủ sở hữu của công ty. Khi công ty làm ăn tốt, bạn được chia lời. Đồng thời, khi công ty ăn nên làm ra, giá trị cổ phiếu sẽ tăng, nếu bán cổ phiếu, bạn cũng lời!

Tuy nhiên, sở hữu cổ phiếu cũng rất nguy hiểm. Nếu công ty làm ăn không tốt, thì cổ phiếu của bạn cũng mất giá trị, vì lúc này chẳng ai muốn mua cổ phiếu của công ty đó cả, và bạn không thể bán cổ phiếu của bạn cho ai cả. 

Trái phiếu có thể hiểu là "chủ nợ"Khi mua trái phiếu của một công ty hay chính phủ, bạn trở thành chủ nợ. Các công ty hay chính phủ bắt buộc phải trả nợ (cộng tiền lời) cho bạn. Sẽ xảy ra trường hợp bạn sẽ bị quịt nợ, nhưng khá hiếm. Mua trái phiếu thì an toàn hơn cổ phiếu, nhưng cũng ít lời hơn cổ phiếu.

Trên thế giới có hàng tỷ công ty, làm sao bạn có đủ thời gian và kiến thức tài chính để chọn công ty tốt để đầu tư? 

Bạn có thể trả tiền cho nhà tư vấn tài chính, họ sẽ dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để đưa cho bạn những lời khuyên về các sản phẩm tài chính. Bù lại, bạn sẽ phải trả tiền cho dịch vụ tư vấn này, hoặc họ sẽ ăn tiền hoa hồng dựa trên những sản phẩm họ bán được cho bạn. 

Với sự phát triển của công nghệ, một loại hình mới xuất hiện - "robot advisor". Thay vì có các nhà tư vấn tài chính, các công ty công nghệ sẽ dùng công nghệ để tự động hoá quy trình tư vấn, phân tích, chọn loại cổ phiếu/trái phiếu để đầu tư. Bạn chỉ cần download app của họ, và chuyển tiền vào tài khoản, mọi việc còn lại họ sẽ xử lý hết. 

Các công ty Robot Advisor được biết đến nhiều là là Betterment, Wealthfront, Arcons. Tại Việt Nam có Finhay. Tại Nhật có THEO, WealthNavi, Monex Advisor, v.v. 

Sau quá trình tìm hiểu, mình quyết định đăng ký dùng THEO vì có mức phí ban đầu thấp (bắt đầu với $100) và website giao diện đẹp, dễ dùng. 

Trải nghiệm

Khi sử dụng THEO, bạn có thể tự thiết kế danh mục đầu tư (portfolio) hoặc để THEO thiết kế cho bạn (任せる). Cơ sở để THEO lựa chọn là portfolio là
  • Tuổi tác: Càng trẻ thì càng mua nhiều cổ phiếu
  • Công việc: Đang đi làm thì mua cổ phiếu, đã nghỉ hưu thì mua nhiều trái phiếu
  • Số tiền dự định đầu tư
Với một người 26 tuổi, đang đi làm, và mức đầu tư dưới 100man thì mức đầu tư mà THEO gợi ý cho mình là 68% cổ phiếu, 23% trái phiếu, và 9% hàng hoá (vàng, bất động sản, v.v.)


THEO, cũng như các robot advisor, không đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu hay trái phiếu cụ thể nào, mà sẽ đầu tư vào các quỹ đầu tư ETF để giảm thiểu rủi ro.

THEO sẽ mua ETF giúp bạn dựa theo porfolio thiết kế tự động (hoặc do bạn tự thiết kế). Trong hình ở dưới, mình chọn xem các ETF trong danh mục đầu tư thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương, thì thấy 4 loại ETF và tỷ suất trong tổng số tiền đầu tư.




Kết quả đầu tư

Mình bắt đầu dùng THEO từ tháng 12/2017. Mình tự thiết kế danh mục đầu tư 100% cổ phiếu. Tại thời điểm tháng 6/2018, đây là các ETF thuộc danh mục đầu tư của mình, trải rộng khá nhiều nước (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Đài Loan, v.v.) và đủ các thể loại công ty lớn bé (mid-cap, large-cap)


Tại thời điểm tháng 6/2018, theo tiền Nhật thì mình đang lỗ 1.14% nhưng theo tiền Đô la Mỹ thì mình lời 0.45% (có sự khác biệt này là do tỷ giá Mỹ/Nhật).







Ưu điểm của THEO
  1. Mức đầu tư ban đầu thấp: Chỉ cần 10,000 yên để mở tài khoản
  2. Chế độ đầu tư tự động mỗi tháng không mất phí: Bạn có thể dùng chế độ "đầu tư mỗi tháng" (積み立て). THEO sẽ tự động rút tiền từ tài khoản ngân hàng mỗi tháng của bạn (ví dụ 1 man/tháng)
  3. Thủ tục mở tài khoản qua Internet rất dễ, không cần inkan

Khuyết điểm của THEO

  1. Mức phí 1% trên tổng số tiền đầu tư mỗi năm là khá cao: Nếu bạn tự tìm hiểu và tự mua ETF qua các tài khoản chứng khoán thì mức phí chỉ khoảng 0.2 đến 0.5%
  2. Không lợi về thuế như các chương trình đầu tư của chính phủ Nhật như iDeco hay NISA
  3. Không có giao diện tiếng Anh, cần tiếng Nhật 

THEO sẽ phù hợp với những đối tượng sau đây
  1. Không có thời gian tìm hiểu về đầu tư
  2. Muốn đầu tư một cách tiện lợi và dễ dàng nhất: Sau giai đoạn tạo tài khoản và thiết lập chế độ ban đầu, bạn gần như sẽ chẳng cần làm gì cả
  3. Muốn bắt đầu đầu tư với khoảng tiền nhỏ: Từ 1man/tháng
  4. Không xác định được thời gian cụ thể sẽ ở Nhật: Có thể đóng tài khoản bất cứ lúc nào

Mình đã đóng tài khoản THEO vào cuối tháng 12/2018. Lý do là mình đã đọc và tìm hiểu nhiều thông tin nên mình có thể tự mua và thiết kế doanh mục đầu tư qua tài khoản lợi về thuế NISA. 

Các bạn có đang dùng robot advisor không?

No comments:

Post a Comment