July 2, 2014

Thiền có thể thay đổi cấu tạo bộ não như thế nào?

Sự tiến hóa của con người vẫn đang tiếp diễn. Giống như việc các chế độ dinh dưỡng và thể dục giúp hình thể phát triển, các bài tập trí não cũng giúp tâm trí phát triển. Trong các loại hình luyện tập trí não, thiền được xem là hiệu quả trong việc cải thiện nhận thức, tâm lý và hành vi của con người.

Nguồn: Khoahoc.com

 “Sự linh hoạt của não bộ” (neuro plasticity) là hiện tượng bộ não có thể thay đổi cùng với sự thay đổi thể chất, yếu tố xã hội, hay tâm trí. Sự thay đổi này diễn ra theo nhiều hình thức như thay đổi số lượng chất xám, chiều dài dây nối tế bào thần kinh (neuron), sự kết nối và độ nhạy giữa các tế bào thần kinh, v.v. Những thay đổi này có thể dẫn đến sự tái cấu trúc của bộ não. Ở cấp độ nhận thức và tình cảm, sự linh hoạt của não diễn ra ở thùy não (prefrontal cortext) và hệ thống viền (limbic system), bao gồm vùng hãi mã (hippocampus), vùng hạch hạnh nhân (amygdala), và vùng dưới đồi (hypothalamus).

Thùy não là bộ phận chịu trách nhiệm điều khiển và duy trì sự tập trung và lý trí, giúp con người hiểu được bản thân và người khác. Đây là cơ sở để xây dựng tình cảm và sự thấu hiểu lẫn nhau. Trong khi đó, vùng hạch hạnh nhân là bộ phận xử lý và phản hồi các tín hiệu cảm xúc và hành vi. Đây còn là bộ phận kết nối thông tin và cảm xúc. Thùy não và hạch hạnh nhân được kết nối với nhau một cách chặt chẽ, và tổn thưởng đến hai cơ quan này sẽ làm giảm khả năng xử lý cảm xúc. Một người có tổn thương trong hai bộ phận này vẫn sẽ tiếp nhận thông tin, nhưng không có khả năng cảm nhận, ví dụ một người thấy cảnh những đứa trẻ lang thang xin ăn trên đường phố nhưng hoàn toàn không có cảm xúc cho cảnh tượng này.

Bên cạnh đó, vùng dưới đồi là bộ phận xử lý động lực của con người, các yếu tố sinh lý như nhịp tim, nồng độ đường, và các cảm giác them muốn căn bản của con người như đói, hung bạo, v.v. Vùng hãi mã chịu trách nhiệm nối các thông tin lưu trữ trí nhớ với nhau (Xem thêm: Bộ não lưu trữ thông tin như thế nào)

Những bộ phận thường xuyên hoạt động sẽ không ngừng phát triển trong khi những bộ phận không được thường xuyên dùng tới có thể dẫn đến mất chức năng. Bộ não cũng dựa vào cơ chế này. Thiền nhấn mạnh đến sự thấu hiểu và cảm thông có thể dẫn đến sự tăng hoạt động trong thùy não. Ngoài ra, thiền cũng giúp tiết chế các suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến việc giảm hoạt động trong hạch hạnh nhân.

Nghiên cứu của Engstro’m và So’derfeldt (2010) cho thấy hoạt động mạnh ở thùy não khi một nữ Phật gia 59 tuổi thực hiện bài thiền

Hình thức giảm stress thông qua thiền tịnh tâm (mindfulness-based stress reduction – MBSR) làm giảm hoạt động trong vùng thùy não giữa (Christoff et al., 2009), vùng não vốn được liên hệ với những suy nghĩ về sự bất hạnh (Killingsworth et al., 2010). Kết quả này gợi ý MBSR có thể làm giảm những cảm giác bất hạnh. Ngoài ra, chỉ sau 8 tuần tập luyện, MBSR có thể làm chậm lại sự biến mất của chất xám trong não bộ (Holzel, et al., 2010).

Grant (2010)

Nghiên cứu của Grant (2010) cho thấy vỏ não ở những vùng xử lý “nỗi đau” của những người thiền thường xuyên (hơn 1000 giờ) dày hơn so với những người không thiền. Kết quả này gợi ý những người thiền thường không tiếp nhận nhiều “đau đớn”, hay nói cách khác, họ đã tập được cách xem nhẹ sự “đau đớn”. Kết quả này cũng góp phần khẳng định sự ảnh hưởng của thiền đến sự thay đổi cấu trúc não bộ.

Ngoài ra, những người thiền ít có hoạt động não ở những vùng xử lý thông sự thụ động trong suy nghĩ và cảm xúc và nhiều hoạt động não ở những vùng liên quan đến sự tiết chế và sự tập trung (Brefzynski-Lewis et al., 2007).

Tác dụng của thiền cũng được chứng minh trong các chương trình can thiệp ở độ tuổi mẫu giáo đến trung học. Tại các trường sử dụng liệu pháp thiền, học sinh thường trở nên hòa nhập hơn, tăng kỹ năng cảm xúc, và tăng kết quả kiểm tra 11% (Durlak et al., 2011). Đây có thể là kết quả của việc tăng dung lượng chất xám trong thùy não, cơ quan chịu trách nhiệm xử lý thông tin về sự khen thưởng. Trong một thí nghiệm trong không gian ảo, thiền cũng giúp người chơi có nhiều hành vi hướng đến xã hội hơn (DeRubeis et al., 2008).

Thiền yêu thương và nhân từ (loving kindness meditation – LKM) là một liệu thức giúp tăng cảm xúc tích cực và sự nhân từ dành cho bản thân và người khác. Người thiền được hướng dẫn để tập trung suy nghĩ và dành những lời chúc đến bản thân và người khác, giúp thắt chặt các mối quan hệ, và đôi khi là sự tha thứ dành cho người khác. Nghiên cứu của Hutcherson (2008) cho thấy LKM giúp người tham gia tăng sự kết nối xã hội và cảm xúc tích cực dành cho người khác, kể cả với những người lạ. Nghiên cứu của Condon (2013) cho thấy những người trải qua một khóa huấn luyện LKM thường xuyên giúp đỡ người trong hoàn cảnh khó khăn. Những kết quả này cho thấy LKM có thể giúp xây dựng một xã hội bền chặt và đầy sự thông cảm và tình thương.

Click vào đây để xem một vài bài thiền LKM.

Thiền từ lâu đã là tập tục tại nhiều nơi trên thế giới. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ tác dụng của thiền lên sự thay đổi và phát triển của não bộ. Cảm xúc đã không còn đơn thuần là một trạng thái cảm xúc bản năng. Thay vào đó, qua thiền hay các phương pháp luyện tập tâm trí khác, con người có thể điều khiển cảm xúc, giảm suy nghĩ tiêu cực, và phát triển sự tích cực trong tuy duy.

Lan T (viết cho www.vietpsy.com)

Tham khảo

Brefczynski-Lewis, J. A., Lutz,  A., Schaefer, H. S., Levinson, D. B., Davidson, R. J. (2007). Neural correlates of attentional expertise in long-term meditation practitioners. Proceedings of the National Academy of Sciences, 104(27), 11483-11488.

Cendri A. Hutcherson, C. A., Seppala, E. M., & Gross, J. J. (2008). Loving-Kindness Meditation Increases Social Connectedness. Emotion, 8(5), 720–724.

Condon, P., Desbordes, G., Millier, W. B., & DeSteno, D. (2013). Meditation Increases Compassionate Responses to Suffering. Psychological Science August 21, 2013 0956797613485603

Davidson, R.J., & McEwen, B. S. (2012). Social influences on neuroplasticity: stress and interventions to promote well-being. Nature Neuroscience, 15(5),689-95.

Grant, J. A., Courtemanche, J., Duerden, E. G., Duncan, G. H., & Rainville, P. (2010). Cortical thickness and pain sensitivity in zen meditators. Emotion, 10(1), 43-53.

No comments:

Post a Comment