May 31, 2015

Áp lực trường chuyên lớp chọn

Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM (Internet)

Sau khoảng thời gian cấp hai êm đềm ở Thực Nghiệm Sư Phạm, tôi bước vào Lê Hồng Phong, một trong ba trường hàng đầu tại TPHCM. Điểm số của tôi thì không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là kém so với các bạn cùng lớp, lý do là vì tôi không có động lực. Tôi vẫn hay mường tượng sau này chắc cũng vào đại học, nhưng sau đó thì sao vẫn còn là một khái niệm mơ hồ. Khi con người không có mục tiêu rõ ràng, thật khó để họ cố gắng hết mình vì công việc.

Các bạn học chăm chỉ, tôi cứ học cầm chừng. Năm lớp 11, tôi vô tình nghe chuyện một cán bộ lớp tuyên bố "Con Lan và con A ngu lắm". Vâng, dùng từ "ngu". Tôi nóng máu. Tôi không giỏi như bạn, tôi không chăm chỉ như bạn, tôi đội sổ lớp, nhưng bạn không có quyền nhục mạ tôi như vậy, nhất là khi bạn là một cán bộ lớp.

Tôi hùng hổ đề cập đến chuyện này trong một buổi họp lớp. Ngày hôm đó biến thành một buổi chiến trường thật sự, mọi người đều căng thẳng. Nhưng cuối cùng tôi cũng nhận được lời xin lỗi thỏa đáng.

Cứ tưởng mọi chuyện kết thúc, nhưng đây chỉ là thời điểm bắt đầu của một sự chuyển biến thần kỳ khác. A, nhân vật còn lại bị gọi là "ngu" trở thành người có điểm số cao nhất lớp chỉ vài tháng sau đó, và bạn duy trì được thành tích này đến hết những năm cấp ba. Bạn vươn lên, bạn nhất quyết không để ai xem thường.

Tôi thì vẫn như vậy, học tà tà, vì tôi không thấy lý do mình phải học cho điểm số thật cao để thi đại học. Tôi không muốn học kinh tế hay y dược, tôi chỉ muốn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, nghe nhạc, xem phim, đọc sách. Phải nói là tôi chẳng cảm thấy ngại ngùng khi điểm số của mình không bằng người khác. Một điều khá quan trọng nữa là tôi cũng chẳng có áp lực từ gia đình. Nhớ lại những ngày gần thi đại học tôi còn tung tăng thi hùng biện phim và tham gia tổ chức một cái hội thảo khá to.

Cách phản ứng với môi trường cạnh tranh của trường chuyên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: mục tiêu, kinh nghiệm đối phó với môi trường áp lực ra sao, tính cách như thế nào, v.v. Người thì cố gắng học nhiều hơn, người thì mặc kệ (như tôi chẳng hạn), nhưng cũng không ít trường hợp dẫn đến khủng hoảng tâm lý. Tôi có vài người bạn ngôi sao, học rất giỏi, cho đến khi chuyện không may mắn xảy ra, các bạn sống thu mình lại và cắt đứt liên lạc với tất cả mọi người. Sau này gặp lại cũng không tránh khỏi ngại ngùng.

Tôi nghĩ lý do đến từ việc chúng ta đã quen với việc gắn giá trị của mình vào những con số, qua việc so sánh bản thân với người khác, mà quên mất bản thân muốn gì và cần gì. Chúng ta chỉ học, chúng ta không có đam mê và hiểu biết về bất cứ vấn đề gì khác. Thế nên, khi bạn mất đi thứ duy nhất có giá trị với bản thân, là điểm số, là thành tích, lẽ dĩ nhiên bạn cảm thấy bản thân không còn giá trị.

Trường cấp ba và đại học chỉ cung cấp kiến thức, còn nhiều thứ khác tạo nên thành công nằm ngoài những con điểm hay lời phê của giáo viên. Chính vì thế, chúng ta, với tư cách là những người anh, người chị, hãy hướng dẫn và tạo điều kiện cho các em, và cho bản thân mình nữa những cơ hội được tiếp xúc với những hoạt động khác, nghệ thuật, thể thao, giao tiếp, tình nguyện,v.v. để chúng ta có thể được định vị bởi nhiều giá trị đa dạng và thực tế hơn.

A, cô bạn cấp ba, là một ví dụ rõ rệt. Có lần gặp A tôi nhắc đến việc mình nể phục A như thế nào khi bạn thực hiện cú vượt dòng ngoạn mục, A chỉ cười và nhanh chóng chuyển qua vấn đề khác. Việc A từng là người giỏi nhất cũng chẳng còn ý nghĩa với bạn nữa rồi. Điểm số, học tập, thành tích, những thứ này có thể chưa bao giờ làm cô bạn của tôi cười. Việc khiến tôi cảm nhận được nguồn năng lượng tràn trề và ánh nhìn lấp lánh từ bạn là việc nhảy nhót. Ngày xưa A nhảy rất sung, bây giờ đi làm ở công ty, A vẫn đi tập nhảy rất thường xuyên và chăm chỉ.

Người giỏi nhất lớp không phải là người hạnh phúc nhất nếu động lực để trở nên giỏi nhất không phải đến từ đam mê học hành mà đến từ môi trường xung quanh, từ những con mắt dò xét và đánh giá của người khác. Áp lực học trường chuyên có thể giúp bạn trở thành người giỏi nhất, nhưng nó không phải là thứ giúp bạn duy trì trạng thái này mãi mãi. Hiểu rõ con đường mình muốn đi và biết cách tận dụng nguồn tài nguyên từ một môi trường tốt sẽ giúp chúng ta đi xa hơn rất nhiều.

Link thảo luận trên facebook

No comments:

Post a Comment