June 18, 2014

Học thuyết phát triển của Freud và Erikson




Sigmund Freud (1856-1939), một trong những nhà tâm lý học nổi tiếng nhất, cha đẻ của dòng phân tâm học (psychoanalysis) là một trong những người đầu tiên xây dựng học thuyết phát triển tâm lý. Theo Freud, quá trình phát triển của con người trải qua bốn giai đoạn: giai đoạn bằng miệng (khi sinh đến 18 tháng), giai đoạn qua đường hậu môn (18 tháng đến 3 tuổi), giai đoạn qua dương vật (3 đến 6 tuổi), giai đoạn bắt đầu phát triển tính cách (6 tuổi đến vị thành niên) và giai đoạn sinh dục (từ khi có nhu cầu giới tính).

Điều kiên quyết để đứa trẻ có thể phát triển hoàn chỉnh là phải đi qua từng giai đoạn, nếu chỉ cần một giai đoạn nào đó gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ. Ví dụ, một đứa trẻ rời xa mẹ trong giai đoạn phát triển bằng miệng, thiếu đi các hoạt động gần gũi với mẹ, không được nớm sữa từ mẹ, thì sau này đứa trẻ đó sẽ gặp vấn đề trong các hoạt động cần nhiều đến sự hoạt động của miệng, ví dụ thói quen ăn uống xấu, uống rượu vô độ, cắn móng tay, nhu cầu rất cao trong oral sex – các hoạt động này được xem như một cách bù đắp cho những thiếu hụt trước đây.

Thuyết phát triển của Freud đã từng một thời làm mưa gọi gió trong giới tâm lý học, nhưng về sau những khiếm khuyết của nó được phát hiện và đối mặt với nhiều chỉ trích. Điều thứ nhất, học thuyết này quá phân biệt giới tính, các giai đoạn được miêu tả dựa vào sự phát triển nam giới để giải thích cho cả nữ giới. Lý do thứ hai, quan trọng hơn, là vì không một ai có thể đưa ra bằng chứng khoa học nào chứng minh. Làm thế nào có thể chứng minh chuyện “không được bú sữa mẹ thì dẫn đến nhu cầu oral sex cao” như ví dụ mà Freud đưa ra ở trên? Lập ra một danh sách những người ham muốn oral sex và điều tra hồi nhỏ họ có được nớm sữa từ mẹ? Chẳng ai lại có thể nhớ về thưở bé tí và chẳng nhiều người muốn chia sẽ chi tiết về một hoạt động rất cá nhân như thế.

Tuy học thuyết của Freud được xem là không thực tế và hiện nay, nó được đưa vào các sách lịch sử tâm lý hơn là được đề cập trong các giáo trình hiện đại, nó cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến các thuyết phát triển về sau, tiêu biểu nhất là Học thuyết phát triển tính cách của Erik Erikson.

Nếu trong các giai đoạn phát triển, Freud đặt ra những “thử thách”, ví dụ trong giai đoạn phát triển qua đường hậu môn, việc một đứa trẻ có đi vệ sinh được không sẽ là tiền đề cho sự độc lập, hoạt động hiệu quả và sáng tạo; thì Erikson cũng đặt ra những thử thách tương tự cho các giai đoạn phát triển của mình, bao gồm:

1. Tin tưởng vs. Nghi ngờ (0-2 tuổi): Nếu một đứa bé chưa có khả năng chăm sóc bản thân thường xuyên bị bỏ rơi thì sau này trẻ sẽ không thể tin tưởng vào ai khác.

2. Độc lập vs. Xấu hổ và ngờ vực (2-4 tuổi): Trẻ sẽ dễ trở thành người nghi kỵ, đối xử phân biệt với người khác, thường xấu hổ với các bạn khác nếu không được bố mẹ luyện cho tính độc lập.

3. Chủ động vs. Hối hận (4-5 tuổi): Trẻ thiếu hiếu động và thiếu sự tập trung, nhưng cũng vì thế, đây là giai đoạn trẻ tích cực khám phá các hoạt động và đam mê mới, tạo nền tảng cho việc phát triển con đường cuộc sống sau này.

4. Chăm chỉ vs. Tự ti (5-12 tuổi): Trẻ bắt đầu hiểu được “luật” và “những điềm cấm” và học cách để biết ứng xử theo các quy tắc phù hợp trong xã hội.

5. Sự nhận diện bản thân (13-19 tuổi): Tuổi thành niên, tìm cách trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”, bắt đầu tách xa cha mẹ, và chịu nhiều sự ảnh hưởng từ bạn bè, phim ảnh, các mốt “thời thượng” được nhiều người lăng xê.

6. Thân mật vs. Cách ly (20-39 tuổi): Bắt đầu học cách phát triển các mối quan hệ tình cảm.

7. Sáng tạo vs. Đình trệ (40-64 tuổi): Không già nhưng cũng không trẻ, cảm thấy không thể tạo nên sự thay đổi lớn trong cuộc đời, loay hoay không biết con đường mình chọn có đúng không hay quá muộn để làm lại từ đầu

8. Chính trực vs. Tuyệt vọng (Trên 65 tuổi): Cảm thấy cuộc sống không còn gì mới mẻ và đáng để chờ đợi.

Điều khác biệt mang tính phát triển của Học thuyết Tính cách là việc Erikson cho rằng một người không nhất thiết phải trải qua các giai đoạn lần lượt các bước theo thứ tự thời gian. Erikson tin rằng nếu một người không thể phát triển hoàn chỉnh ở một giai đoạn nào đó, họ hoàn toàn có thể quay lại, tự lực, hay nhờ sự phát triển của các chuyên gia để khắc phục suy nghĩ và hành vi.

Viết cho www.vietpsy.com 

No comments:

Post a Comment