June 25, 2015

Chuyện về những người phụ nữ trong giới nghiên cứu

(Google)

Giáo sư Tuấn kể chuyện chứng kiến một nữ nghiên cứu sinh bật khóc trước mặt: "Lúc đó, tôi lúng túng không biết làm gì vì mình chưa chuẩn bị cho tìn h huống này ... Sau này, người ta bắt tôi phải đi học một khoá về cách quản lí nữ nhân viên."(*) Tự nhiên nhớ đến câu chuyện với sếp, nên mình xin mạn bàn về chuyện nữ giới trong khoa học.

Hè năm ngoái mình có cơ hội làm ở một viện nghiên cứu, và tính chất công việc của mình khi đó là phải làm việc trực tiếp với rất nhiều PI/Post-doc/Grad students. Có một lần mình cũng khóc tu tu trước mặt sếp. Lúc đó là 9h tối, đang chuẩn bị gom đồ về sau một ngày vật vã, ai ngờ lại nhận tin sét đánh ngang tai. Ức chế quá, thế là nước mắt đầm đìa (ToT)/~~

Cơ mà sau đó mình làm như không có gì, chạy ra rửa mặt, uống miếng nước, ăn miếng bánh, xong vô nói nói chuyện tiếp với sếp (mình ức chế người khác chứ không phải sếp mình). Sếp mình khi đó cũng kiểu vờ như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Mấy ngày sau đó, sếp cứ hay chạy qua phòng mình, lúc cho bánh, lúc cho nước, thậm chí có bịch snack ăn dở cũng đưa. Nhận xét thì rất nhẹ nhàng, lời lẽ cực kỳ khuyến khích. Mình nghĩ là tất cả đã qua bộ lọc rồi, mọi điều tồi tệ sếp đã giữ lại và chỉ nói cho mình nghe những thứ đẹp đẽ nhất.

Thế là từ đó mình dặn bản thân tuyệt đối không có khóc lóc gì cả. Sếp muốn khích lệ thì mình cám ơn thôi, nhưng nói giảm nói tránh thì hóa ra sẽ làm mình dậm chân tại chỗ, vì chẳng biết người ta nghĩ mình tệ đến đâu hay mình sai chỗ nào để cố gắng.

Mình đổ lỗi cho bản thân. Tại mình ngu ngốc, mềm yếu, khóc lóc nên đã tự biến mình làm rào cản của bản thân. Ở Mỹ có câu "if you can't beat them, join them", trong đầu mình bắt đầu hình thành suy nghĩ "If you work with men, you have to be a man".

Khi nam giới áp đảo môi trường làm việc, họ sẽ vô tình tạo ra một tiêu chuẩn chung, và chính những tiêu chuẩn này sẽ được dùng để đánh giá tất cả mọi người. Chính vì vậy, trong giới khoa học, phụ nữ thường phải cố gắng tuân theo "tiêu chuẩn" như một người đàn ông: ở lab từ sáng đến khuya, nếu phải về sớm vì chuyện gia đình thì thế nào cũng dằn vặt bản thân, cảm thấy có lỗi với người khác. Hoặc đơn giản hơn, họ từ bỏ gia đình và chuyện yêu đương để cống hiến cho sự nghiệp.

Một sếp khác của mình (là nữ) từng nói "Mấy cái vấn đề bình đẳng giới tính không có gì đáng để bàn. Khi làm nghiên cứu thì mình muốn người ta nhìn nhận mình như một nhà khoa học, muốn người ta đánh giá mình một cách công bằng với những nhà khoa học khác, chứ chẳng ai muốn bị nhìn với con mắt là một nữ khoa học gia cả."

Tâm lý này mình cũng đã trải qua. Khi ở US, mình luôn muốn mọi người nhìn nhận mình như là một sinh viên bình thường chứ không phải một sinh viên quốc tế. Mình muốn người khác công nhận khả năng của mình. Mình muốn cạnh tranh công bằng với các bạn Mỹ. Chính vì thế, gần như hai năm đầu, mình chủ động chỉ chơi với các bạn Mỹ, không tham gia hội sinh viên quốc tế, từ chối tất cả "ưu đãi" mà trường dành cho sinh viên quốc tế (ví dụ như được phép đem từ điển vào phòng thi). Trong liên tục hai năm, mình cố gắng sống như những đứa bạn Mỹ. Đến nỗi bạn mình còn bảo "you speak like a blonde bitch!"

Nhưng mà ba năm, đi nhiều hơn, nghĩ nhiều hơn, gặp nhiều người hơn, cuối cùng mình cũng đã hiểu được "label", đặc tính về bản thân thì không thay đổi được. "Sinh viên quốc tế", "nữ giới", "người Việt Nam", tất cả đều là mình. Mình không thể chối bỏ bản thân. Mình học cách cố gắng tối đa trong những gì hoàn cảnh cho phép. Thay vì dùng thời gian để cố gắng biến mình thành một thứ gì khác, hãy nâng cao kỹ năng thì tốt hơn.

Ngày xưa mình xấu hổ vì khóc lóc trước mặt sếp, bây giờ mình thấy chả có việc gì phải xấu hổ cả. Vì mình đã học cách chấp nhận bản thân, và quan trọng hơn hết, vào thời điểm đó, mình đã tiếp tục làm cho project tốt hơn, chứ không phải buông xuôi ngay sau khi bị mắng. (Cám ơn sếp đã rất tâm lý sau đó!)

Phản ứng trước một sự việc có thể khác nhau nhưng quan trọng là cách chúng ta tiếp tục như thế nào . Mình thì từng khóc (giờ đỡ rồi ...), những người khác thì đi uống, đi bơi, đi chạy, v.v. Cách phản ứng không thể hiện được gì về năng lực cả. Khóc không phải là mềm yếu, trở nên tự ti và bỏ cuộc mới là điều tuyệt đối không nên làm. Bạn học được gì? Bạn thấy mình sai chỗ nào? Bạn có tiếp tục cố gắng? Đây mới là những điều tạo nên "sức mạnh" của một con người. Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi.

Chính vì thế, mình rất thích cách giải quyết của GS Tuấn "học cách quản lý nữ nhân viên". Mở rộng hơn nữa, chúng ta nên có những workshop về "diversity", mọi người học cách thấu hiểu văn hóa, để chúng ta có thể làm việc với nhau tốt nhất, bất kể giới tính, độ tuổi, màu da, hay quốc tịch. Đây là mục tiêu của một xã hội văn minh, nơi có thể chấp nhận và dung hòa mọi sự khác biệt.

Dông dài như thế cũng chỉ để nói: bình đẳng chỉ đơn giản bắt đầu từ sự thấu hiểu.

No comments:

Post a Comment