December 4, 2011

Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều thứ nhì thế giới thì có gì mà tự hào?


Tất cả những ai từng ngồi trên ghế nhà trường tại Việt Nam có lẽ không xa lạ với số liệu Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhiều thứ hai thế giới. Con số này được khắc sâu đậm trong tâm thức mỗi người. Nó gần như niềm tự hào về quê hương “giàu tài nguyên”, “rừng vàng biển bạc”, ruộng lúa xanh tốt màu mỡ, cò bay thẳng cánh. Nhưng sự thật thì sao? Cái nhìn của các nước phương Tây thì sao? Đáng tiếc thay, trong mắt các học giả phương Tây, số liệu này phản ánh sự thật đáng buồn về hiện trạng nông nghiệp bị tận thu tại Việt Nam chứ chẳng phải con số đáng tự hào của nền kinh tế phát triển nào cả.

Trong bài viết “Vì sao họ không thể nuôi nỗi mình” (Why can’t people feed themselves?), hai tác giả Lappe và Collins cho rằng chủ nghĩa thực dân (colonialism) là nguyên nhân tạo nên nạn đói tại các nước đang phát triển cho dù sản lượng xuất khẩu các loại nông phẩm của các nước này luôn đứng đầu thế giới. Chủ nghĩa thực dân đã biến đổi toàn bộ hệ thống nông nghiệp tại các nước đang phát triển bằng sức mạnh tài chính và chính trị. Trước chủ nghĩa thực dân, người dân tại các nước nhỏ duy trì được hệ thống nông nghiệp đơn giản, quy mô nhỏ, bao gồm các loại thực phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, khi các nước lớn đến “khai thác”, người dân buộc phải chuyển đổi từ phương thức nông nghiệp truyền thống thành hình thức đơn canh (chỉ trồng một loại cây duy nhất), sử dụng hóa chất cũng như phương pháp canh tác không phù hợp với tính chất của đất trồng địa phương. Các loại cây trồng mới này hoàn toàn không phục vụ nhu cầu dinh dưỡng của người dân địa phương mà được các quốc gia phát triển và tập đoàn lớn quyết định dựa vào giá trị trên thị trường nông phẩm quốc tế. Chính vì vậy, người dân tại các nước chưa phát triển thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt duy dưỡng hay thiếu ăn không phải vì họ không có đủ số lượng lương thực mà vì họ không được tiếp cận nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển sinh lý bình thường.


Để minh họa cho lập luận về chủ nghĩa thực dân, các tác giả đưa ra các dẫn chứng về trường hợp của đế quốc Anh với các nước châu Phí trong câu chuyện về sản lượng xuất khẩu tobacco (một loại nông phẩm tạo thuốc lá) và đế quốc Pháp với các nước Đông Nam Á và sản lượng xuất khẩu gạo (trong đó có Việt Nam). Về trường hợp của Việt Nam, các tác giả dẫn chứng: kể từ năm 1930s, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới trong khi còn rất nhiều người Việt Nam mất ruộng đất và không thể tiếp cận với nguồn thực phẩm, và sự thật này được biểu hiện nghiêm trọng vào nạn đói 1945.

Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, danh hiệu “nước xuất khẩu gạo nhiều trên thế giới” thật chất không phải là điều đáng tự hào. Tại thời điểm hiện tại, dù hoàn cảnh đất nước đã được cải thiện, số lượng người nghèo và mù chữ giảm, nhiều ứng dụng khoa học được đưa vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên cái danh hiệu “nước xuất khẩu gạo nhiều trên thế giới” cũng chưa thể là điều đáng tự hào. Gạo Việt Nam xuất khẩu hầu hết là gạo chưa được chế biến, chính vì vậy, nó không đem lại lợi nhuận cao như các sản phẩm đã chế biến. Ngoài ra, gạo Việt Nam không phải là loại thức ăn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao.

Tiếp theo, chúng ta cần đặt câu hỏi: gạo Việt Nam được sử dụng tại những nước nào? Hoàn toàn không phải là những nước phát triển nơi giá trị dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống được đặt lên hàng đầu. Những nước nhập khẩu gạo Việt Nam là các nước châu Phí, châu Á – những nơi cũng trong hoàn cảnh nền nông nghiệp bị tận thu với nền nông nghiệp đơn canh như Việt Nam do lịch sử chịu sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, chính vì vậy, họ thiếu hẳn lượng nông phẩm tinh bột. Tóm lại, gạo Việt Nam không được đánh giá cao cả về giá trị dinh dưỡng lẫn giá trị kinh tế. Như vậy có gì mà phải tự hào? Như vậy có gì mà báo chí phải tung hô những mục tiêu như vượt qua Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo thế giới?

Rõ ràng chúng ta cần lắm những thay đổi trong những thông điệp về lòng tự hào dân tộc được áp đặt thông qua hình thức giáo dục. Tự hào về tổ quốc là một tình cảm thiêng liêng, đáng được khuyến khích và nâng cao nhưng bên cạnh đó, chỉ khi chúng ta nhận thức rõ ràng về vị trí của mình, những điểm mạnh và điểm yếu của đất nước, chúng ta mới có thể tạo nên những chính sách phát triển hợp lý và hiệu quả.

Viết cho www.vietpsy.com

No comments:

Post a Comment