December 8, 2013

Tìm hiểu về chủng tộc Ainu tại Hokkaido, Nhật Bản

Ainu là chủng tộc sống tại Hokkaido, quần đảo cực bắc Nhật Bản (Nhật Bản gồm bốn đảo lớn Kyushu, Shikoku, Honshu, Hokkaido và các đảo nhỏ khác). Chủng tộc Ainu cổ có ngoại hình đặc trưng: nam giới có râu bia và râu mép; cả nam và nữ đều để tóc dài hơn vai. Nữ giới bắt đầu xăm miệng từ 10-12 tuổi, và khi giai đoạn này hoàn tất vào 14-15 tuổi, cô gái sẽ được xem là người phụ nữ trưởng thành, có thể kết hôn.




 Nơi sinh sống của người Ainu được thể hiện bằng màu đỏ đậm


Theo nghiên cứu, sự tiếp xúc đầu tiên giữa chủng tộc Nhật và chủng tộc Ainu diễn ra từ thế kỷ 14. Tuy nhiên, mãi đến gần cuối thế kỷ 19, dưới áp lực bành trướng của Nga (quần đảo Hokkaido vốn rất gần với Nga - xem hình minh họa dưới), chính phủ Minh Trị bắt đầu đẩy mạnh việc khai phá Hokkaido và áp dụng chính sách đồng hóa. Tiêu biểu là đạo luật "Hokkaido Former Natives Protection" được ban bố vào năm 1898. Theo luật này, người Ainu không được sử dụng ngôn ngữ Ainu, phải học và sử dụng ngôn ngữ Nhật, sử dụng tên tiếng Nhật, sống theo phong tục tập quán Nhật. Đây cũng đồng thời là giai đoạn chính phủ Minh Trị áp dụng các đạo luật tương tự với quần đảo Okinawa ở cực nam và các thuộc địa khác.


Vị trí rất gần giữa Hokkaido và Nga

Bắt đầu từ 1970, phong trào đòi bình đẳng và quyền bảo tồn văn hóa Ainu bắt đầu phát triển. Năm 1992, ông Nomura Giichi đại diện cho người Ainu có bài phát biểu về lịch sử Ainu và chính sách đồng hóa được ban hành bởi chính phủ Nhật Bản trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Bài phát biểu đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Đến năm 1997, chính phủ Nhật ban bố "Luật Ainu mới" (New Ainu Law) với mục đích phát triển và bảo tồn truyền thống và văn hóa của người Ainu. Năm 2008, Ainu được chính thức công nhận là chủng tộc bản xứ tại Nhật.


Ông Nomura Giichi phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc

Ngày nay, có hơn 24,000 Ainu sống tại Hokkaido và vài nghìn người sống tại những nơi khác tại Nhật Bản. Tuy nhiên, không còn người Ainu nào sử dụng tiếng Ainu trong sinh hoạt thường ngày hoặc sống theo tập tục truyền thống Ainu. Một khảo sát năm 2006 cho thấy tỉ lệ người Ainu nhận hỗ trợ từ chính phủ cao gấp 2.5 lần con số trung bình tại Nhật. Nhiều người vẫn duy trì nhận mình là người Ainu mặc dù họ phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc tại Nhật (sẽ nói rõ trong các bài sau). Chính trị gia Shigeru Kayano là người Ainu đầu tiên gia nhập Thượng viện vào năm 1994, là một trong số những người Ainu được biết đến tại Nhật Bản.

 Chính trị gia Shigeru Kayano 


Chính sách đồng hóa người Ainu khá thành công. Hầu hết người Ainu được xác định hiện nay là con cháu giữa chủng tộc Ainu và chủng tộc Nhật. Họ sống và làm việc theo phong tục tập quán Nhật và không quan tâm đến nguồn gốc Ainu của mình. Rất khó để có thể phân biệt người Ainu và người Nhật dựa vào ngoại hình hay nơi sinh sống trừ khi được chính người đó tiết lộ. Theo thống kê vào năm 2008 từ Trung tâm nghiên cứu Ainu tại Đại học Hokkaido, hầu hết người Ainu thuộc các độ tuổi khác nhau đều cho rằng mình "không bao giờ" nhận thức về việc bản thân là người Ainu. Khi được đặt câu hỏi "Bạn muống sống như thế nào trong tương lai?" với các sự lựa chọn "Sống tích cực như một người Ainu", "Sống mà không quan tâm đến chủng tộc của mình", "Sống và cố tình không thể hiện mình là người Ainu càng nhiều càng tốt", và "Khác", hầu hết người tham gia lựa chọn "Sống mà không quan tâm đến chủng tộc của mình"

Mina Sakai, người sáng lập tổ chức "Ainu Rebels" (Ainu Nổi loạn) với mục đích tuyên truyền nhận thức về văn hóa Ainu. Cô từng sáng tác và trình diễn trong soundtrack Final Fantasy. Tuy nhiên có thể thấy về mặt ngoại hình, Mina không khác gì những người Nhật khác. 

Hiện nay, đa số những người Ainu mặc quần áo Ainu là những người Ainu làm việc cho các khu Bảo tàng tại Hokkaido. Trong những năm gần đây, Hokkaido xây dựng hình ảnh du lịch "Hokkaido Cool!", nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Hokkaido và ba đảo lớn còn lại tại Nhật. Chính vì thế, lượng khách du lịch đến tìm hiểu về văn hóa ngôn ngữ Ainu tại Hokkaido khá cao trong những năm gần đây. Bảo tàng "Shiraoi Ainu", hay còn biết đến với tên gọi Porotokotan (nghĩa là "ngôi làng lớn nằm bên bờ sông" trong tiếng Ainu) nằm ở Noboribetsu là một trong những điểm tham quan hấp dẫn tại Hokkaido. Địa điểm này cũng được công nhận là di sản văn hóa UNESCO vào năm 2009.




No comments:

Post a Comment