October 21, 2013

Du lịch Nagoya: SCAMAGLEV, Osu Kannon, Noritake

Nagoya, thành phố lớn thứ 4 của Nhật Bản thuộc tỉnh Aichi thường không được xem là địa điểm du lịch hút khách, mà người ta thường nhớ đến khu vực này như quê nhà của tập đoàn Toyota hơn. Thông tin du lịch Nagoya cũng không nhiều bằng những nơi khác, thế nhưng Nagoya cũng có những điểm thú vị độc đáo riêng rất đáng được khám phá.



Đầu tiên phải kể đến khu bảo tàng SCMAGLEV, là nơi trưng bày các mẫu shinkansen thuộc sự quản lý của công ty đường sắt Nhật Bản JR Chubu. Shinkansen là tàu siêu tốc, có thể đạt đến vận tốc 500km/h, là niềm tự hào của nền công nghiệp Nhật Bản. Ở Nhật, nếu những quãng đường tương đối ngắn (dưới 6h) thì người Nhật thường chuộng Shinkansen hơn là đi máy bay. Vì đi Shinkansen rất đơn giản, tiện lợi, cứ khoảng tầm 20-30 phút là có một chuyến, các trạm tàu lại ở trung tâm thành phố, ghế ngồi to và thoải mái, có ổ cắm điện và internet. Một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa là từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, chưa hề có một tai nạn nào với Shinkansen, và yếu tố này được người Nhật đánh giá rất cao. Nghe đâu các sempai nói là vị trí lái tàu Shinkansen thu nhập cao ngất ngưỡng.

Từ ga trung tâm Nagoya, bắt tuyến Aonami đến trạm cuối, đi bộ 5 phút sẽ đến khu trưng bày. Lưu ý là tuyến Aonami không thuộc hệ thống subway do thành phố Nagoya quản lý nên phải mua vé riêng chứ không dùng thẻ ngày (day pass) được.

Bảo tàng trưng bày các thế hệ tàu Shinkansen, việc nghiên cứu và phát triển hệ thống này, mô hình về hệ thống máy móc vận hành, thông tin an toàn, khu vui chơi cho trẻ con. Một nơi rất thú vị, đặc biệt cho những ai đam mê về máy móc công nghệ Nhật Bản.



Trên đường đến SCMAGLEV, ảnh chụp từ bên trong tàu Aonami 


Hai tàu Shinkansen thế hệ mới nhất


 Các thế hệ Shinkansen cũ hơn 


Tàu màu vàng được gọi là "Bác sĩ Shinkansen", chỉ được sử dụng trong việc sửa chữa bảo hành hệ thống Shinkansen. Do tàu này rất hiếm khi xuất hiện nên người Nhật bảo là ai thấy được tàu này là sẽ gặp may trong ngày hôm đấy. 



Mô hình thu nhỏ trung tâm thành phố Nagoya 


Sau khi đi khu trưng bày thì mình quay lại trung tâm Nagoya và lên đường khám phá đặc sản "Hitsumabuchi" của Nagoya. Đây là món thịt lươn nướng ăn với cơm. Khi ăn phải theo tuần tự ba bước như sau: bước 1: ăn bình thường (lươn với cơm), bước 2: ăn với nguyên liệu, bước 3: ăn với nước sốt. Sau khi ăn theo 3 bước thì sẽ cảm nhận được hết 3 vị khác nhau của món ăn, từ đó chọn ra bước ăn mình thích nhất, và cứ thế mà chén thôi.



Một set ăn đầy đủ. Món này bán khắp ở Nagoya, giá không chênh lệch nhau lắm (từ 1800 đến 3000Y). Dưới tầng hầm của ga Nagoya hay ga Meitetsu, ga Kintetsu bán món này rất nhiều. Nên đi ăn buổi trưa để có set ăn trưa giá rẻ hơn. 


Ở bất kỳ thành phố nào ở Nhật ở các khu trung tâm đều có những khu mua sắm, như kiểu chợ Bến Thành ở Sài Gòn ấy, thứ gì cũng mua được. Có điều là ở Nhật thì không có quầy hàng chen chúc mà là các cửa hàng tầm nhỏ hoặc trung chen chúc nhau dày đặc trong một khu vực nhỏ. Khu mua sắm ở Nagoya mang tên là Osu Kannon. Sở dĩ gọi là Osu Kannon là vì nằm gần một đền Phật thờ Kannon (Quan Âm). Toàn nước Nhật có 3 nơi thờ Kannon, và mình đã có dịp đi ở Nagoya và ở Tsu (Mie).

Osu Kannon xưa kia là nơi bán đồ điện tử, nhưng bây giờ thì chỉ còn lác đác một hai cửa hàng, còn lại là bán quần áo, mỹ phẩm, thức ăn, pachinko (sòng bạc, máy chơi điện tử). Đây là nơi pha trộn giữa những nét hiện đại và truyền thống, những tòa nhà sáng trưng lấp lánh với những tòa nhà sập xệ cũ kỹ, những bác làm văn phòng 50 tuổi kiên nhẫn xếp hàng bắt tay với các em idol và những nữ sinh váy ngắn giày cao gót lùng xục những cửa hàng quần áo để không thua chị kém em :))


Trong một cửa hàng bán đồ truyền thống Nhật Bản


Một cửa hàng bán đồ hand-made, vintage không dễ tìm nằm trên tầng hai của một tòa nhà sập xệ 


Nằm lọt thỏm giữa cửa hàng điện tử và cách pachinko vài bước là vẻ huyền bí, trầm buồng của ngôi mộ người anh trai của một vị samurai 



Nhắc đến pachinko là nhắc đến Nagoya :)) Nagoya là thành phố nhiều pachinko nhất Nhật Bản. Đại loại vào đây để đánh bạc, chơi điện tử, rất ồn ào, nồng nặc mùi thuốc lá và các câu chửi bậy của các anh, các bác. Hầu hết người tham gia là nam giới, họ vào đây để giải tỏa căng thẳng sau khi làm việc, hay có khi chỉ để giết thời gian. Pachinko hình như được xếp chung với hệ thống ăn chơi ở Nhật, như host club, message house, và du học sinh không được tham gia, không được làm thêm trong ngành công nghiệp này.


Cái quả tròn tròn các bạn đang thấy được gọi là "thần" của một Pachinko tại Osu Kannon :)) Nghe bảo là sờ vào thì sẽ may mắn lắm :))))))))


Cuối ngày thì mình đi vườn Noritake gần trung tâm Nagoya. Đây là nơi sản xuất các sản phẩm đồ gốm và thủy tinh, có hẳn dịch vụ cho mình vẽ vời trang trí đĩa nữa, sau đó chỗ này sẽ nung lên và gửi sản phẩm hoàn chỉnh cho mình sau hai tuần qua đường bưu điện, giá từ 1500 đến 2500Y tùy loại.


Trên đường đi thấy cái xe xinh xinh nên chụp luôn :)))



Vườn Noritake 



Vẽ vời 




Totoro sản xuất và bán tại Noritake  

2 comments:

  1. http://todo-ran.com/ts/kiji/12001

    Về Nagoya là thành phố của Pachinko thì em chưa chắc, vì em đã từng ở Nagoya và hiện sống ở Osaka thì Nagoya ít pachinko hơn Osaka rất nhiều. Chị có thể xem link để thấy mật độ Pachinko giữa các tỉnh. Aichi trong chừng mực nào đó có thể không khác mấy khi nói về Nagoya.

    ReplyDelete