March 6, 2011

Confession | Kokuhaku (Takako Matsu, Masaki Okada) - Tổng hợp của các loại bi kịch

 
Confession là bộ phim đại diện điện ảnh Nhật Bản tham dự Oscar lần thứ 83. Bộ phim mở đầu với lời "thú nhận" của cô giáo Yuko Moriguchi về việc đã tiêm sữa có chứa máu của người bệnh AIDS vào hộp sữa của hai học sinh trong 37 học sinh lớp 7 mà cô chủ nhiệm vì chính 2 học sinh này đã giết đứa con gái 7 tuổi của cô. Cảnh sát kết luận cái chết của con gái cô là do tai nạn, nhưng cô giáo không tin, và trong buổi học cuối năm này cô đã kể lại quá trình đi tìm thủ phạm và nghe lời thú tội của chúng như thế nào. Một sự bắt nghẹt thở, và bất ngờ vì nội dung đã được tiết lộ ở đầu phim; nhưng không, chính lời "thú nhận" đầu tiên này, chính sự vạch trần hai hung thủ - vốn chỉ là hai đứa trẻ lớp 7 đang tuổi ăn học này, lại chỉ là sự bắt đầu cho rất nhiều trường đọan bi kịch và thù hận còn khốc liệt, tàn bạo, man dại và đau đớn hơn ở những phút sau của bộ phim.

Bộ phim được thể hiện qua lời kể, lời "thú nhận" của các nhân vật khác nhau trong phim. Tất cả các nhân vật, dù ở lứa tuổi nào, nghề nghiệp nào cũng đều mang những nỗi đau và sự bất hạnh khác nhau; thể hiện những mặt trái đen tối của xã hội: đó là sự kỳ thị dành cho người nhiễm HIV/AIDS, khe hỡ của luật pháp Nhật Bản dành cho trẻ em vị thành viên, sự trói buộc hoặc thiếu quan tâm của gia đình; hay sự lựa chọn không thể dung hòa giữa gia đình và niềm đam mê bản thân của những người phụ nữ trẻ. Tất cả lồng quấn, thắt chặt và tạo nên một trường đoạn bi kịch và kết thúc phim chỉ với sự thù hận, rất nhiều máu, nước mắt, mãnh vở của những cuộc đời không thể bù đắp và những sinh mạng không thể trở về.

Xây dựng tính cách và các câu chuyện riêng biệt, chân thật về từng nhân vật nhưng lại lồng ghép tất cả vào nhau một cách hài hòa, sống động là một điểm tôi đánh giá rất cao ở phim này. Ngoài ra, thủ pháp điện ảnh xuất sắc (tông màu tối, dùng hiệu ứng quay chậm-quay ngược), nội dung hấp dẫn, diễn xuất xuất sắc góp phần làm bộ phim sáng chói và thu hút người xem đến phút cuối cùng.


Để viết về Confession thật khó khăn. Nếu chỉ dựa trên những điểm phân tích ở trên, tôi sẵn sàng cho Confession điểm 10/10, đơn giản, trong tất cả các bộ phim Nhật tôi từng xem, về nội dung, độ hấp dẫn, ăn khách hay thủ pháp điện ảnh, Confession vượt trội hơn hẳn. Thế nhưng, nếu nói về tình cảm cá nhân, tôi không đánh giá cao Confession. Đơn giản vì Confession quá tăm tối. Ngay cả cái kết thúc cũng chỉ là một sự bắt đầu của những bi kịch khác mà thôi. Như một vòng tròn, oan gia chồng chất oan gia, sẽ không bao giờ có một lối thoát cho các nhân vật, cho dù họ còn sống hay đã chết. Các phim Nhật khác dù có tăm tối đến đâu, kết thúc phim vẫn là một lối thoát. Ví dụ trong Battle Rolaye, hai nhân vật chính vẫn sống bên nhau cho dù họ vẫn phải đối mặt với sự truy lùng của chính phủ; hay trong Byakuyakou, Yukiho vẫn sống, như một món quà Ryoji để lại, cho dù cô vẫn phải nói dối, sống cuộc đời hay mặt để che dấu tội lỗi năm xưa của hai người. Giống như nhân vật trong Samurai High School đã nói, còn sống nghĩa là trận chiến chưa kết thúc, miễn là Yukiho vẫn còn sống, mặt trời R&Y vẫn bừng sáng; miễn là 2 người trong Battle Royale vẫn còn sống, điều đó đồng nghĩa với việc niềm tin và sự chân thật giữa con người với nhau vẫn không thể mất đi. Còn Confession ư? Buồn quá, đau quá, tuyệt vọng quá.


Đây có lẽ là lý do mà Confession không lọt vào top 5 finalists cuối cùng. Dẫu có thể hiện sự tuyệt vọng và nỗi đau xuất sắc đến đâu (như Confession) nhưng nếu không chỉ cho họ một con đường sống hay một tia hy vọng, thì chẳng phải giống như "nghệ thuật chỉ là ánh trăng lừa dối" như Nam Cao đã từng nói sao? Thế nên, tôi quyết định không đánh giá phim này trên thang điểm thường thấy, mà sẽ cho nó xuất hiện trong Unranked cùng với Ichi the killer và In the realm of sense. Có thể gọi tôi là người mộng mơ, nhưng tôi luôn dành niềm tin vào "tương lai tươi sáng" hơn là một kết thúc đầy máu và nước mắt như Kokuhaku :)



Tên phim: Kokuhakou (Confession)
Đạo diễn: Tetsuya Nakashima
Diễn viên: Takako Matsu, Masaki Okada, Yukito Nishii, Kaoru Fujiwara, ...
Dựa trên tiểu thuyết iăn khách của Kanae Minato xuất bản năm 2008
Tóm gọn về Kokuhaku: tổng hợp của các loại bi kịch :))

Download Vietsub
Download Eng sub: Part I & Part II
Lưu ý trong phim có những phân đoạn không phù hợp với người dưới 16 tuổi (chủ yếu là máu me thôi).

1 comment:

  1. Vốn là người không dám xem phim kinh dị nhưng lại bị hấp dẫn với thể loại phim tâm lý kinh dị (tạm gọi để phân biệt với thể loại tâm lý xã hội) nên xem Kokuhaku trong tâm trạng hồi hộp pha lẫn phấn khích. Ý kiến cá nhân mình thì phim thuộc thể loại tâm lý kinh dị của Nhật đều có chung một kết thúc: bi kịch chỉ mới bắt đầu; cố gắng theo dõi đến cuối để mong nhìn thấy ánh sáng le lói của lối thoát cuối đường hầm tăm tối suốt cả bộ phim nhưng lại chỉ là một tia sáng nhỏ lọt vào đường hầm vô tận không lối thoát để đưa con người ta vào tận cùng đau khổ. Nhưng riêng Kokuhaku thì ngay cả tia sáng nhỏ nhoi đó cũng không xuất hiện; một bộ phim hay nhưng quá nặng nề.

    ReplyDelete