February 19, 2011

Film review: Dragon Zakura (Hiroshi Abe, Tomohisa Yamashita, Yui Aragaki, Masami Nagasawa)

Với dàn diễn viên lấp lánh, diễn xuất đa dạng, nội dung hấp dẫn và gần gũi, Dragon Zakura xứng đáng nằm trong top những bộ phim học đường hay nhất mà bất cứ teen ghiền phim nào cũng không thể bỏ qua!


Do đây là bộ phim teen xem vui vẻ thoải mái cho nên bài review này cũng sẽ đi theo phong cách xì tin, không đặt nặng kỹ thuật viết, nghĩ gì type nấy ^^

*Dàn diễn viên lấp lánh*

Thật vậy, chưa phim Nhật nào mình thấy quy tụ dàn diễn viên trẻ đẹp xinh tươi như trong Dragon Zakura. Đầu tiên là "chàng trai vàng" Yamapi (Yamashita Tomohisa), nữ hoàng phim bi Nagasawa Masami, công chúa mỏng manh Gakky (Yui Aragaki), chàng trai với gương mặt bây bì Koike Teppei, chàng trai khắc khổ Nakao Akiyoshi, em gái nhí nhảnh Saeko. Ngoài ra không thể kể đến nhân vật trung tâm của phim, quý ngài Abe Hiroshi (thật ra mình lần đầu tiên mình xem phim của Abe Hiroshi nhưng xem filmography của chú này thì cũng thấy được sự lão làng của chú íh!). Vẻ đẹp của các diễn viên Nhật thì đúng là "mưa dầm thấm đất", hiếm ai có được vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thùng ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng ngoại hình của diễn viên phim này so với mặt bằng chung là cao rồi!!!





*Nội dung hấp dẫn*

Với tham vọng cứu vớt lại ngôi trường cấp ba dành cho học sinh hạng bét tại Tokyo, nam luật sư Sakuragi Kenji đưa ra kế hoạch điên rồ "đào tạo được 5 học sinh đậu vào Todai". Todai là nick của Tokyo University, trường đại học danh tiếng hàng đầu Nhật Bản, và theo một số ranking, trường đại học số một châu Á! Kế hoạch này đương nhiên vấp phải sự phản đối kịch liệt của đông đảo giáo viên trong trường - những người vốn chỉ lo đến bản thân nên bỏ bê học sinh, và cả sự chế diễu rầm rộ của học sinh tại trường. Làm thế nào Sakuragi Kenji có thể biến kế hoạch thành hiện thực khi ngay cả bản thân anh cũng chỉ là một tay mơ chứ chẳng phải thần đồng xuất chúng nào?

Danh tiếng nổi bật nhất của Kenji có lẽ là quá khứ chơi bời đua xe rồi bị hốt vào đồn vài đêm, nhưng liệu cái quá khứ cộm cán này có thể khuất phục những cái đầu cũng chẳng kém ngang ngạnh khác tại ngôi trường trung học chơi bời này không? Câu trả lời dĩ nhiên là có, vì nếu không thì làm gì có phim cho chúng ta xem :D Nhưng điều quan trọng là bộ phim mang lại nhiều giá trị cho người xem nhiều hơn chỉ là vẽ ra một viễn tưởng hồng lòe lọet (thật ra cũng không hồng lắm vì có đứa rớt!)

Xuyên suốt bộ phim là những giá trị về cuộc sống, học tập, làm việc và tình yêu. Ngay từ tập đầu tiên của bộ phim, người phim có thể chột dạ về những câu nói thẳng thắng và bộc trần của Sakuragi Kenji: "Các em chỉ là một lũ thất bại. Thất bại ở đây có nghĩa là các em sẽ bị lừa gạt. Để sống, chúng ta phải tuân theo quy luật của xã hội, và những cái gọi là luật này được lập ra để những người có trí tuệ có thể sống thoải mái. Nói cách khác, những kẻ ngốc sẽ chỉ mãi bị lừa gạt vì không có khả năng thấu hiểu". Nói cách khác, xã hội luôn được tạo lập và duy trì với các hệ thống cao thấp rõ ràng. Nếu bạn không cố gắng để vươn đến vị trí cao trong xã hội thì cả đời chỉ có bị đè đầu cởi cổ thôi. Đừng trách sao xã hội bất công, hãy đặt câu hỏi trước hết cho bản thân: "Liệu mình đã cố gắng hết sức chưa?". Xem các phim khác của Nhật (Kanji, Liar Game) hay đọc thêm về "Matrix of Oppression" thì sẽ hiểu rõ hơn về quy tắc mà xã hội định hướng trong một hệ thống để có thể trục lợi cao nhất cho vòi bạch tuột trên cùng như thế nào.



Bộ phim giới thiệu cho người xem cái nhìn sâu hơn về triết lý giáo dục Nhật. Trong quá trình học, các học sinh lớp học đặc biệt luyện thi Todai luôn được học theo các phương pháp *tiên tiến* nhất (ví dụ như học bằng phương pháp hình ảnh với mind map, truyện tranh; học bằng cách kết hợp vận động thân thể) nhưng xuyên suốt cả bộ phim, giá trị căn bản với tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến triết lý giáo dục Nhật và châu Á nói chung vẫn không thay đổi: Đó là tinh thần làm việc chăm chỉ đi cùng với sự lập lại liên tục nội dung bài học. Đương nhiên học vẹt không tốt, nhưng đừng vì thế mà đánh đồng học vẹt cùng với sự luyện tập liên tục với cường độ cao. Các học sinh của lớp học đặc biệt này cũng phải học đêm học ngày học đến nỗi gục luôn trên bàn sau đó thầy giáo phải dùng gậy đập bàn gọi dậy.

Bên cạnh đó, sự chú trọng đến giáo dục thể chất cũng được thể hiện rõ trong phim. Mỗi buồi sáng tất cả học sinh đều phải dậy sớm đi bộ nhiều vòng quanh sân trước khi bắt đầu một ngày học gian khổ. Khác hẳn với Việt Nam, vào học kỳ hai hay gần thi là trường cắt hết mấy môn thể dục vì sợ học sinh mệt người học không nổi hay là bố mẹ không để con cái làm việc nhà, nấu nướng. Trong khi người Nhật lại quan niệm "không vận động thì không có gì vào đầu".

Cách xây dựng nhân vật cũng là một điểm mình rất thích ở phim này. Có 8 nhân vật 2 giáo viên 6 học sinh mỗi người đều thể hiện một tính cách khác nhau, một thế giới muôn màu muôn vẻ.


Sakuragi Kenji thành công vượt qua quá khứ (học sinh hư hỏng) để trở thành một luật sư hành nghề, thế nhưng cũng chính xã hội khắc nghiệt cũng đã tạo nên một Sakuragi Kenji rất thực tế và quyết liệt. Bạn đừng mong sẽ được thấy cốt chuyện thấm đẫm nước mắt "tôi tin tưởng vào các em vì tôi cũng đã trong hoàn cảnh của các em", mà ngược lại, đời thì chua chát lắm, lý do đầu tiên để Sakuragi Kenji lập ra kế hoạch đưa 5 học sinh vào Todai chỉ đơn giản là vì cơ hội nổi tiếng và thu được nhiều hợp đồng giá trị hơn trong tương lai. Đó chỉ đơn giản là sự tự tin và niềm kiêu hãnh vào bản thân. Thế nhưng càng xem phim thì càng thấy nhiều hơn sự "mềm mại" trong tính cách của Kenji.

Nhân vật thứ hai là cô giáo Ino Mamako. Ban đầu cô phản đối kế hoạch kịch liệt của Sakuragi Kenji, nhưng do một lần thua kiện mà cô trở thành "nô lệ" của Kenji và theo sát với lớp học đặc biệt. Ba điểm tính cách nổi bật nhất của Ino là sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc đời đến mức ngây thơ, tinh thần trách nhiệm với nghề và lòng thương yêu học trò vô điều kiện. Những người sống vì lý tưởng thường có hai dạng, một là cực đoan, hai là quá tình cảm. Cô Ino thuộc loại thứ hai, và cũng chính những tình cảm này đẩy cô đến những tình huống dở khóc dở cười, che tầm nhìn và sự nhận xét trên bức tranh toàn cuộc. Tin tưởng vào những giá trị đúng-sai là tốt, thế nhưng đôi khi sự tin tưởng này không những không đem lại điều tốt cho bản thân mà còn gây họa cho người khác. Sống ở đời là phải biết hành động hợp lý tùy hoàn cảnh và không để tình cảm lấn áp phán đoán. Đây là điều mình quan sát rõ ràng nhất từ những câu chuyện của Ino.


5 học sinh man trên vai 5 gánh nặng khác nhau. Đó là cậu học sinh phải chăm lo cho gia đình khi người bố bỏ đi và để lại món nợ quá lớn, đó là cô gái sống cùng người mẹ thường xuyên lả lơi rót rượu cho khách tại quán ăn gia đình, đó là chàng trai bị bố mẹ bỏ rơi vì cái bóng quá lớn của người em sinh đôi thiên tài, đó là cô gái lúc nào cũng chịu áp lực từ cô bạn nổi tiếng, đó là chàng trai trẻ đam mê chơi cùng band nhạc luôn bị người cha doanh nhân thành đạt xem là đồ bỏ đi, và đó là cô gái sống không mục tiêu khi người bạn trai duy nhất bỏ lơ thì chỉ còn cách dựa vào băng đảng. Nói cho cùng, họ thuộc vào loại mà xã hội gọi là "đồ bỏ đi", nhưng cũng chính cách xã hội miêu tả họ cũng đã phần nào diễn tả được lý do cho lời nhận xét này. Họ bị chính gia đình của mình "bỏ đi". Một đứa bé ngay từ khi sinh ra đã cần được bố mẹ bồng bế liên tục để đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh trong tương lai. Ngay một đứa trẻ sơ sinh vốn như tờ giấy trắng đã cần sự bảo bọc che chở của bố mẹ như thế, thử hỏi những đứa trẻ trong Dragon Zakura lại còn thiếu thốn và thiệt thòi như thế nào? Đó là lời nhắc nhở nhẹ nhàng và tế nhị về tình cảm gia đình và cách giáo dục mà bộ phim gửi đến các bậc phụ huynh.


Kết thúc phim, 6 học sinh, 4 đậu 2 rớt. Trong đó mình thích nhất là lý do của một bạn nữ (mới chia tay người yêu): Bạn sẽ học Todai vì bạn cảm thấy cuộc sống còn quá nhiều điều thú vị để học hơn là quanh quẩn dính chặt cuộc đời mình vào một người (đàn ông) khác. Một bạn khác không học Todai (ngành cơ khí hay gì gì đó, vì xác suất chọi thấp nhất Todai) mà sẽ vừa đi làm vừa học chứng chỉ luật. 2 bạn còn lại quyết tâm thi lại Todai vào năm sau. Đường đến La mã không chỉ có một.


*Đánh giá chung*
Phim hay, nên xem, không nên chần chừ :D Down ở IPH

Phim dựa trên manga cùng tên của Mita Norifusa. Hàn Quốc làm lại vào năm 2010 với tên "Master of Study" hoặc "Lord of Study".

2 comments:

  1. hohoho thich yamapi voi ban nagasawa :X::X:X nhin 2 nguoi cute ;)) tu` phim dragon zakura den proposal daisakusen hohoho:)):))Nagasawa de thuong nhat'!:D Abe Hiroshi ma`, nhin` rat phong cach :))

    ReplyDelete
  2. Em đã coi phim này và thề rằng bản Hàn God of study còn lâu mới hay bằng nó :))

    ReplyDelete