April 23, 2010

Review: Ikigami (Shota Matsuda, Takayuki Yamada, Takashi Tsukamoto, Riko Narumi)

Sau khi đọc xong "Giao lộ tử thần" của Junji Ito thì mình nhận ra bản thân không thích các truyện dài trên 2 chap của sensei mà chỉ thích các truyện ngắn kiểu one-shot (ví dụ các truyện trong collection như Voices in the dark, Fleshed-colored horror, Lovesick dead). Cái Umazaki xem rất tuyệt - nhưng chỉ là những chap đầu, khi mỗi chap mang một thông điệp, cốt truyện khá tách bạch (như kiểu one-shoot), càng về sau, khi các tình tiết xoắn với nhau để đi về vòng tròn trung tâm của xoắn ốc, mình càng không thích. Đã đọc 2 chap đầu của Tomie, và cũng ... chưa thấy thích. Nhưng nói gì mà nói thì Junji Ito sensei vẫn là một người xuất chúng. Nói một chút về "Giao lộ tử thần" (quên tên tiếng Anh rồi T____T), mình không thực sự thích truyện này, nhưng có một chi tiết cuối khá cảm động, nữ nhân vật chính Midori đã tự tử để không còn chịu lời nguyền rủa của "cậu bé tử thần" nữa. Cứ bảo mình sến, hay không thực tế đi, nhưng mình rất thích những cách giải quyết như thế này. "Cậu ta đã chọn cái chết để được sống" - một câu gần cuối trong "Alive" - một manga horror khác mình đã được xem. Midori đã nói những lời cuối cùng như thế này: "Tớ không nhất thiết phải ghét cậu" và lịm đi ...

Sẵn tiện xin được review bộ phim liên quan đến chủ đề cái chết mà mình đã được xem:

Ikigami/The ultimate limit/Giới hạn cuối cùng



Có nhiều điểm giống nhau giữa Ikigami và The Accuracy of Death: đều là ba câu chuyện nhỏ kết nối để thành bộ phim thể hiện chủ đề về cái chết, nhân vật chính đều là nam giới, những cái chết đều liên quan đến những con người bình thường đến từ mọi ngõ ngách của cuộc sống, nhưng mình vẫn đánh giá Ikigami cao hơn rất nhiều so với The Accuracy of Death. Trước khi xem Ikigami mình đã từng đọc một bài review chi tiết, tiết lộ cả nội dung cụ thể của Ikigami, tức là mình biết được phim này sẽ diễn ra như thế này, nhân vật sẽ hành động như thế nào, ... nhưng khi xem phim mình vẫn xúc động và không thể kìm chế nước mắt. Thậm chí một thời gian sau khi xem, mình vẫn còn suy nghĩ rất nhiều về bộ phim này ... Mong là tất cả những ai đang đọc entry này sẽ tìm xem Ikigami, những lời khen mình dành cho bộ phim này không sai, và có lẽ không bao giờ là đủ.

Lý do đầu tiên mình đánh giá Ikigami hơn The Accuracy of Death là: trong khi nhân vật Thần Chết Shingami trong The Accuracy of Death là một người có thể dùng sức mạnh siêu nhiên của mình để quyết định "thời điểm" của một người thì nhân vật nam chính trong Ikigami chỉ là một nhân viên nhà nước bình thường. Anh chỉ là một con ốc nhỏ nhoi trong cả bộ máy chính quyền khổng lồ đang vận hành. Bản thân anh không thể thay đổi. Sự sống và cái chết của con người đến một cách bất ngờ, và không thể tránh khỏi, và một ngày cuối cùng, 24h cuối cùng thật là khắc nghiệt. Bộ phim được đặt trong một thể chế giả tưởng, nơi ban hành và áp dụng định luật "Phồn Vinh": tất cả những đứa trẻ khi vào lớp một bắt buộc bị tiêm, và một số trong chúng sẽ phải chết vào năm 21 tuổi - và những nhân viên nhà nước như nhân vật nam chính của Ikigami sẽ là người đi đến tận nơi để phát các giấy báo tử. Định luật "Phồn Vinh" được đặt ra nhằm ổn định dân số, tuyên truyền thông điệp "Cái chết có thể đến vào năm 21 tuổi" để khuyến khích công dân trẻ nước này cố gắng học tập, làm việc, quý trọng từng giây phút quý báu của sự sống. Chỉ riêng chi tiết này làm mình gợi nhớ đến hai tác phẩm nổi tiếng khác của Nhật Bản: "Battle Royale" với đạo luật BR, và Death Note (Quyển sổ tử thần).

Trong Battle Royale, những đứa trẻ chập chững lớn chỉ vừa biết mùi đời được đưa ra hoang đảo vắng để giết lẫn nhau. Tình bạn, tình yêu, tình người - tất cả sẽ được thử thách trong một môi trường khắc nghiệt đến cực độ. Đủ thứ loại người sẽ thể hiện ra theo đúng bản chất - tham lam có, tàn bạo có, mềm yếu có, mạnh mẽ có, nhu hèn có, ... Phải chăng cái "ác" của con người là bản chất thực, hay chỉ là một tính chất biểu hiện trong môi trường có điều kiện?!!

Về Death Note, nhiều người hâm mộ và tỏ ra đồng tình với triết lý của Kira/Raito Yagami: chủ động lọai bỏ những người xấu để "chọn lọc" một xã hội đẹp hoàn hảo như triết lý Utopia. "Một cộng đồng được xây dựng dựa trên nỗi sợ của đồng lọai không bao giờ là một xã hội" ... Điều để lại băn khoăn nhất cho mình là "liệu một người có thể trở thành thượng đế, một người có khả năng quyết định số phận và vận mệnh của người khác"? Cách đây không lâu, mình có xem một link hình cảnh những nữ tử tù bị xử bắn ở Trung Quốc ... Một cách phiến diện mà nói thì việc áp đặt án tử cho một người khác - dù cho người đó đi giết người khác - cũng là một biểu hiện của "đạo đức giả trong chừng mực cho phép". Một đứa trẻ đã từng hỏi: "Tại sao ta giết người để chứng minh việc giết người là sai trái?". Cả thế giới được dựng trên một mỏm đá sát biển, sương mù của dối trá và những lời bao biện phủ giăng khắp nơi.

"Thế nào là đen và trắng? Thế nào là sự thật và dối trá?" - những lời hát được cất lên ở phần đầu bộ phim có thể tóm gọn lại những hoài nghi, suy tư sau những vấn đề được đặt ra trong bộ phim (ngoại trừ triết lý về cái chết và cuộc sống). Với chủ đề ảo mộng phù du của vật chất và con đường quay trở về đam mê, câu chuyện đầu tiên trong Ikigami đem lại cho người xem cái nhìn chân thật và cảm động. Một người bạn sẵn sàng bỏ rơi người bạn thân đã cùng đi qua biết bao khó khăn giông bão, và đến những giây phút cuối cùng, anh ta mới hiểu được đâu là những giá trị thật sự quan trọng. Nhưng có lẽ đã quá muộn. Những phút giây cận kề cái chết. "Bạn chỉ có thể cảm nhận được giá trị của một vật, một người khi mất đi" - bài học xưa cũ nhưng chưa bao giờ là sai cả.

Hai câu chuyện sau của Ikigami được lồng ghép khéo léo - đây cũng là một điểm mình thích Ikigami hơn The Accuracy of Death (trong Death thì hai câu chuyện sau tách bạch và diễn ra trên màn ảnh lần lượt). Một nói về những giá trị của gia đình Nhật trong xã hội ngày nay: người mẹ và cha bận rộn làm chính trị,  người con mắc hội chứng Hikikomori (tự giam mình trong phòng, tự tách biệt với xã hội, chỉ thừa nhận sự tồn tại của mình trên Internet. Những người rơi vào hội chứng này thường dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử ...). Kết thúc đem lại sự ngạc nhiên thú vị cho người xem: ngoài nút gắt mâu thuẫn đã được dở bỏ hợp lý, câu chuyện đề cao truyền thống tình nghĩa sâu sắc của gia đình, đồng thời truyền tải thông điệp sâu sắc: "Để theo đuổi ước mơ, không ai có thể thực hiện một mình". Câu chuyện thứ ba, tạm gọi là câu chuyện về "cô gái đẹp nhất thế gian" kể về hai anh em mồ côi. Hai người mất bố mẹ trong một tai nạn thảm khốc, dẫn đến đôi mắt mù lòa của cô gái, còn anh trai thì gia nhập làm tay quen trong một băng đảng chuyên cho vay mượn nặng lãi. Khi người anh đã tạm kiếm đủ tiền để đưa em gái ra ngoài sống trong căn hộ thì cũng là lúc anh này nhận thẻ báo tử. Anh quyết định hiến tặng đôi mắt cho người em, nhưng tình cờ cô gái nghe được cuộc nói chuyện giữa người anh và nam nhân viên báo tử nên cô từ chối phẫu thuật. Vậy làm thế nào để người anh thuyết phục em gái nhận đôi mắt? Đón xem phim nhé!!!

Khi người anh mất đi, cô gái trở về căn hộ người anh thuê, bên trong có một chiếc hộp gõ nhỏ. Cô gái mở ra và nhìn thấy mình trong gương. Dòng chữ người anh để lại: "Anh không nói dối đâu, em là cô gái đẹp nhất thế gian". Hoa anh đào rơi rung rinh theo nhịp điệu của gió ngoài khung cửa sổ, "Cám ơn anh" - cô gái nói với người anh.

Ngoài ba câu chuyện trên không thể nhắc đến mối dây xuyên suốt câu chuyện là nam nhân vật báo tin tử cho các nạn nhân. Những dằn vặt, đau đớn, hoài nghi về "xã hội hoàn hảo", thậm chí cả những cuộc phản kháng liều lĩnh được chuyển tải một cách xuất sắc, phần nào gợi lên những nỗi đồng cảm của những con người buộc sống trong một xã hội độc tài, thống trị, giả dối. Chấp nhận để sống một cuộc đời nhàn nhạt, cam chịu, hay phản kháng? Đó là câu hỏi còn để mở ở phần cuối bộ phim, thế nhưng ánh mắt rực lửa hướng thẳng vào máy quay camera (mà người ta dùng để kiểm soát nhân dân) của nam nhân vật này có thể cho ta niềm hy vọng về một sự thay đổi trong tương lai.

Ikigami quy tụ một dàn diễn viên cực kỳ nổi tiếng: Shota Matsuda (Liar Game, Hana Yori Dango), Riko Narumi (nữ diễn viên của Calling You mà tớ đã giới thiệu trước đây ^^, Một lít nước mắt), Takashi Tsukamoto, Takayuki Yamada (Hai anh này nổi tiếng lắm, để hôm nào viết review phim của hai anh hehe). Mở đầu cực kỳ ấn tượng với những thước phim trắng đen, rè rè như thu qua tivi đem đến cho người xem mốt chút cảm giác kinh dị của các thập niên xưa, nhưng cả bộ phim Ikigami là một bản tình ca chân thật, sâu sắc và cảm động về cuộc sống, cái chết, ước mơ, tình cảm gia đình, ... chắc chắn sẽ lấy đi của người xem không ít nước mắt. Ngoài ra, bộ phim còn lồng vào những thông điệp tế nhị, nóng bỏng về chính trị, xã hội: "Đấu tranh vì một xã hội công bằng", "Thể chế độc tài" thật khéo léo. Ikigami thật xứng đáng là bộ phim cần phải xem đối với tất cả mọi người.

Ikigami dựa trên manga cùng tên của Motoro Mase

Tên phim: Ikigami: The Ultimate Limit
Đạo diễn: Tomoyuki TakimotoBiên kịch: Akimitsu Sasaki
Ngày phát hành: 27/08/2008
Diễn viên: Shota Matsuda, Riko Narumi, Takashi Tsukamoto, Takayuki Yamada,

7 comments:

  1. Yep. MY weekend now. I will definitely find Ikigami to watch. Although the main character is not as handsome as my Takechi <3 , I will watch Ikigami :x

    ReplyDelete
  2. Hình như tên tiếng anh của "Giao lộ định mệnh" chính là Lovesick death mà!? btw, Junji Ito is my fav mangaka :X ông có cách vẽ sử dụng dip pen technique rất đặc biệt làm manga của ông càng thêm ám ảnh.

    Đồng ý với Lan về Uzumaki, cách xây dựng kiểu oneshot như mấy chap đầu rất tuyệt. các chap sau đúng là k0 còn đủ độ thuyết phục như mấy chap đầu.

    ReplyDelete
  3. Bạn ơi, mình muốn xem Ikigami nhưng box Fansub của Japanest đã đóng rồi. Bạn có biết trang nào có link down nữa không hoặc có thể share với mình không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. http://www.dailymotion.com/video/xqibde_ikigami-2008-part-1_fun
      Mình google thì tìm ra link này bạn ah ^^

      Delete
  4. Vừa xem phim này xong và thường có thói quen tìm review những bộ phim mình ấn tượng để đọc (do không biết viết, ^^). Cám ơn bạn đã viết bài review cho phim này. Ngoài những điều bạn đã nói trên thì mình thấy phim còn có những điểm mơ hồ để cho người xem tự suy diễn: bà mẹ trong câu chuyện thứ hai quá tham vọng? mối quan hệ của hai con người trong câu chuyện thứ ba? và hoàn cảnh của người đồng nghiệp xuất hiện cuối phim?

    ReplyDelete