Đặc tính của nền kinh tế ảnh hưởng đến tính cách của con người trong một xã hội. Qua những ngày tại Cuba, tôi nhận ra những đặc tính chung của người Cuba là rất hiền hòa, thân thiện, nhiệt tình giúp đỡ người khác nhưng cũng lại rất sòng phẳng. Một số người cố gắng lách luật (cheat the system). Các đặc tính này đều có thể giải thích từ nền kinh tế bao cấp đặc trưng tại Cuba. Xin lưu ý tác giả không có ý định đánh đồng tất cả mọi người trong một dân tộc mà chỉ cố gắng phân tích những điểm chung, thường gặp nhất về tính cách con người trong xã hội. Dĩ nhiên mỗi người có những điểm riêng biệt.
Ở những nơi có ít nguồn tài nguyên, con người sẽ cần kiệm, tỉ mẩn và khắt khe trong việc sử dụng tài nguyên và chia sẽ cùng người khác. Ngược lại, ở những nơi có nhiều nguồn tài nguyên, con người sẽ phóng khoáng, rộng rãi và không ngần ngại chia sẽ cùng người khác. Một ví dụ điển hình là câu nói "Người Hà Nội kiếm 10 đồng sẽ dùng 1 đồng và tiết kiệm 9 đồng. Người Sài Gòn kiếm 10 đồng sẽ xài 9 đồng, tiết kiệm 1 đồng và mượn 2 đồng". Người Hà Nội khá kỹ tính trong việc chọn bạn, hạn chế tiếp xúc với những người họ chưa quen thân trong khi người Sài Gòn thoải mái, có thể giúp đỡ cả những người lạ chưa quen mà không tính toán. Ngược lại, đối với người Hà Nội, một khi đã quen thân, một người có thể sẵn lòng trả tiền cho cả chầu ăn của các bạn trong khi người Sài Gòn khá rạch ròi về việc tiền bạc, một khi ăn là chia đều tiền hoặc xoay vòng luân phiên trả tiền.
Người Cuba lại là một kết hợp thú vị của hai đặc điểm trên vì sở dĩ nguồn tài nguyên của Cuba "vừa thừa mà cũng vừa thiếu". Thừa là thừa tài nguyên cơ bản như thức ăn (phân phát qua tem phiếu), lương cơ bản, dịch vụ y tế và trường hợc miễn phí, được cấp nhà ở, nền văn hóa đa dạng và đặc sắc. Thiếu là thiếu những thứ vượt ngoài tầm cơ bản (ăn, ở, uống, ngủ) và những thứ xa xỉ (đồ trang điểm, tiền). Thế nên, người Cuba vừa phóng khoáng lại vừa rất sòng phẳng và luôn tìm cơ hội kiếm thêm tiền, đặc biệt ở những thành phố thu hút nhiều khách du lịch như tại thủ đô Havana và thành phố biển Varadero.
Người Cuba liên tục chào hỏi, tươi cười, không nề hà, sẵn sàng giúp đỡ người lạ và khách du lịch (đặc biệt là những khách du lịch sử dụng tiếng Tây Ban Nha). Tuy nhiên, họ không phải là hào sảng giúp đỡ không điều kiện. Thường sau khi làm một điều gì đó cho người khác, họ thường trông đợi vào một khoảng "tip", có thể hiểu là "có qua có lại". Ví dụ, ở Cuba dùng hai loại tiền tệ, một loại cho dân địa phương (Peso) và một loại cho khách du lịch (Convertible Peso - CUC). 1 CUC trị giá khoảng 25 PESO. Ngày thứ hai khi chúng tôi đi đổi tiền CUC thành tiền Peso tại một tiệm tạp hóa địa phương, người đàn ông đã đề nghị thẳng thắng: "Bây giờ tao đổi cho tụi mày 40CUC, tụi mày cho tao 2CUC để tao mua cigar hút được không?". Khi chúng tôi đồng ý, người đàn ông giúp đỡ chúng tôi khá nhiệt tình, đổi tiền và còn cho chúng tôi một số thông tin về Havana.
Một điều hay hơn nữa về người Cuba là họ rất lịch sự. Họ sẽ tiếp cận khách du lịch, đề nghị được giúp đỡ (để đối lấy tip). Nhưng nếu bị từ chối, họ sẽ tươi cười rồi bỏ đi, tuyệt nhiên không xảy ra tình trạng chạy bám hay chửi đổng khách du lịch. Tương tự với các ban nhạc trong các quán ăn tại Cuba. Thường các quán ăn, đặc biệt tại khu Old Havana có nhiều khách du lịch, các ban nhạc đều có một band nhạc sống chơi theo từng đợt khoảng 20-30 phút. Một thành viên của ban nhạc sẽ đi vòng quanh cầm một cái rổ nhỏ để xin tiền tip. Ngoài ra, các ban nhạc này còn thu âm sẵn các đĩa CD và bán với giá 8-10CUC. Họ sẽ nhã nhặn mời chào khách du lịch, và thường thì chúng tôi từ chối, họ sẽ lịch thiệp mỉm cười và đi đến bàn khác.
Đợt về lại Havana từ Varadero, trên đường ra trạm xe bus, chúng tôi được một người đàn ông mời chào đi taxi về Havana với thời gian ít hơn và giá rẻ hơn so với bus. Ban đầu thì ngần ngại nhưng rốt cuộc ba đứa cũng "liều" lên xe (nói vui chứ mình còn chuẩn bị sẵn dây thừng trong túi áo, ... phòng trường hợp xấu). Xe khá mới và chạy êm, hỏi chuyện anh này thì biết được anh chàng mua xe không giấy phép (chứ không phải có giấy phép như câu chuyện về ông lái xe già mua được xe vì trước đó tình nguyện cho chính phủ đi dạy chữ tại Mexico). Ngoài lái xe đường dài thì anh chàng còn làm thêm nhiều nghề như sửa xe, sửa tủ lạnh để kiếm thêm thu nhập. Lúc chia tay, anh chàng này còn thể hiện nụ hôn gió lịch thiệp và không quên dặn mình lưu số lại để giới thiệu cho bạn bè.
Nói người Cuba tốt thì tốt, có một lần khi chúng tôi đi về khách sạn khá khuya, đã có một người đàn ông tầm 60-70 tuổi tốt bụng đã giúp chúng tôi thỏa thuận giá đi taxi cho chúng tôi. Lớp trẻ càng về sau thì có lẽ càng thế hiện sự sòng phẳng, năng động và mưu mẹo hơn nhiều. Trong câu chuyện về anh chàng lái taxi đa-zi-năng, có lẽ sống gần Varadero, là một khu du lịch nhiều người nước ngoài, đã một phần tạo nên một lớp người trẻ, không hài lòng với cuộc sống bao cấp đơn giản nên tìm cách lách luật để kiếm thêm thu nhập. Đây có lẽ cũng thể hiện chuyển mình theo hướng thả lỏng và hòa nhập của chính phủ Cuba kể từ khi ông Raul Castro lên nắm quyền thay anh trai (Raul Castro là một người mềm mỏng hơn anh trai).
Viết năm 2011
No comments:
Post a Comment