Người Nhật “học lao động bằng chân tay. Họ phải trải qua mọi việc từ dưới lên trên trước khi muốn trở thành sếp. Người Việt Nam thích kiếm tiền nhưng không còn chăm chỉ như 20 năm trước nữa.” (trích lời ông Ito Junichi - CEO Công ty World Link Japan Inc)
Trong tập 2 của BOKU NO ITA JIKAN, nhân vật Takuto (Miura Haruma) sau khi được nhận làm nhân viên chính thức ở một công ty sản xuất đồ gỗ đã phải xuống làm việc ở một cửa hàng chi nhánh. Hằng ngày anh đến sớm, dọn dẹp, lau chùi, sắp đặt sản phẩm, tư vấn cho khách hàng, công việc khá nặng nhọc. Vì sao lại thế?
Khi được nhận vào công ty, các sinh viên chân ướt chân ráo đều phải trải qua một đợt huấn luyện trước khi được chuyển vào các phòng ban chính thức. Không cần biết bạn được nhận vào vị trí nào đi nữa (marketing, kế toán, hay nhân sự) thì các đợt huấn luyện “tay chân” này là cực kỳ cần thiết để hiểu được sản phẩm, nền tảng, văn hóa của công ty. Mình có một người bạn được nhận vào một công ty gas khá to tại Nhật, hàng ngày phải đạp xe ròng rã đến nhà từng người dân để mời họ ký hợp đồng gas, sau một năm mới được thuyên chuyển vào văn phòng trung tâm. Một người bạn khác được nhận vào công ty sản xuất linh kiện xe hơi cũng đã phải ăn nằm ròng rã cùng các nhân viên ở nhà máy suốt một tháng trước khi làm ở bộ phận xuất nhập khẩu trong văn phòng.
Trong trường hợp Takuto trong “Boku no Ita Jikan”, nếu bạn là một nhân viên marketing cho công ty đồ gỗ mà bạn chỉ ngồi văn phòng, bạn không hiểu rõ sản phẩm, không nói chuyện với khách hàng, không biết họ thích và chê điểm gì ở sản phẩm, không biết cách một sản phẩm được sản xuất như thế nào, v.v. thì làm sao bạn có thể thực hiện được những chiến dịch quảng cáo thành công? Người Nhật chủ trương huấn luyện cho nhân viên về tinh thần cần cù, chăm chỉ, không ngại những công việc nặng nhọc, tôn trọng những người thợ làm trực tiếp ra sản phẩm, từ đó mỗi nhân viên có ý thức trách nhiệm hơn và sẽ cố gắng hết mình hơn cho công ty.
Trong khi đó, người Việt Nam thì sao?
Theo nhận xét của ông Ito Junichi thì “Người VN thường coi thường những người lao động chân tay như thợ hàn, công nhân lao động, công nhân xí nghiệp. Nhiều người trẻ chỉ thích làm trong những văn phòng tiện ích, nhà có điều hòa. Ở VN, giờ có nhiều người tốt nghiệp đại học, nhiều người có bằng MBA nhưng họ chưa đụng tay làm những việc thật bao giờ cả. Họ chưa bao giờ làm những công việc tay chân lấm láp. Những người trẻ đó chỉ học trên giấy tờ, đọc sách nhưng họ chẳng hiểu gì thực tế cả. Tôi có họp với những người làm việc trong các lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng... để bàn về đầu tư một nhà máy, những người này cần tiền để làm nhà máy nhưng họ không hiểu gì về nguyên liệu thô, quy trình sản xuất hay thị trường... Tôi hỏi thì họ bảo “sếp tôi bảo phải làm”. Những người như vậy, họ chỉ hiểu được phần ngọn, phần bề mặt mà không hiểu hết mọi thứ...”
Nếu có thời gian các bạn hãy đọc đầy đủ phần chia sẽ của ông Ito Junichi nhé http://tuoitre.vn/Ban-doc/Trong-mat-nguoi-nuoc-ngoai/569130/giao-duc-vn-quen-nhung-nguoi-gioi-ky-nang-lam-viec.html
No comments:
Post a Comment