November 3, 2017

Bảo tàng Huyền thoại Biển và Câu chuyện về nữ thợ lặn mò ngọc trai tại Mie

Xuất phát từ thành phố Nagoya, sau khoảng ba tiếng trên xe, chúng tôi dừng lại ở Bảo tàng Huyền thoại Biển tại thành phố Toba (Toba Sea-folk Museum). Bảo tàng được thành lập vào năm 1971 với mục đích duy trì và gìn giữ lịch sử và hoạt động kinh tế biển tại địa phương. Do đặc thù về vị trí địa lý nên văn hóa, kinh tế tại Toba và những nơi khác tại Mie gắn liền với hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.

Một trong những phòng trưng bày nổi bật tại Bảo tàng là những chiếc thuyền gỗ được bảo quản trong phòng lạnh. Tại Nhật Bản, người ta tin rằng mỗi chiếc thuyền đều có một linh hồn riêng, gọi là funadama-san. Hiện tại, với tốc độ công nghiệp hóa, thì không chỉ riêng Nhật Bản, hầu như thuyền gỗ không còn được sử dụng trong đánh bắt thủy sản, nhưng người Nhật rất hay là họ vẫn có thể lưu giữ những hiện vật rất cẩn thận và đưa vào chương trình giáo dục để các thế hệ sau không quên đi tập quán truyền thống.


Điều thú vị nhất về Toba là các nữ thợ lặn chuyên nghiệp, Ama. Hình thức này đã tồn tại hơn 10,000 năm tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong một chuyến đánh bắt xa bờ, nam giới sẽ ở trên thuyền và chịu trách nhiệm về trang thiết bị trong khi phụ nữ lặn xuống biển để thu nhặt các loại hải sản, ngọc trai, rong biển. Mỗi lần lặn kéo dài khoảng một phút, và các nữ thợ lặn không sử dụng bình dưỡng khí. Họ phát triển một kỹ thuật thở đặc biệt gọi là Isobue (tiếng huýt gió biển) để tránh tổn thương phổi.

Các Ama có tại khắp nơi tại Nhật Bản, tuy nhiên số lượng ngày càng giảm. Năm 1931, cả nước Nhật có 12426 Ama thì đến năm 2010 chỉ còn khoảng 2174. Số Ama hiện nay ở Mie là 1300. Các Ama mặc đồ lặn, đeo kính bảo vệ mắt và mang một dải băng trên đầu với hai biểu tượng doman seiman. Đây là hai biểu tượng bảo vệ các Ama khỏi những linh hồn tàn ác. Sau khi hoàn tất công việc của một ngày, các Ama sẽ quây quần tại một chòi nhỏ (Amagoya) để trò chuyện và nấu nướng một phần các loại hản sản thu nhặt trong ngày.



Khi nghe về Ama, tôi đã cực kỳ ngạc nhiên. Thông thường nam giới đảm nhiệm công việc nặng nhọc, tại sao ở đây phụ nữ phải đảm đương công việc khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như các Ama? Khi đặt câu hỏi với nhân viên bảo tàng thì được giải thích nhiệm vụ của nam giới ở trên thuyền quan trọng không kém. Họ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn mỗi khi Ama lặn xuống biển. Nững thiết bị cần thiết trên thuyền khá nặng, dành cho sức đàn ông, trong khi phụ nữ, với sự khéo léo, có thể dễ dàng tìm được nhiều hải sản hay ngọc trai ẩn nấp dưới đáy biển.




Sau khi tham quan bảo tàng, chúng tôi được đưa đến một Amagoya (chòi của các Ama) dành cho khách du lịch gọi là Osatsu-kamado nằm sát bờ biển. Tại đây, những người phụ nữ trong trang phục Ama trực tiếp nướng các món hải sản và phục vụ khách du lịch. Lần đầu tiên tôi ăn hải sản với cơm, nhưng sự kết hợp này lại rất vừa miệng. Ở Nhật, cơm không khô rang như ở Việt Nam mà nó hơi dẻo và kết, tương tự như xôi vậy. Hải sản tươi còn đậm vị mằn mặn của biển, kết hợp cùng vị dẻo của cơm, và một chút vị chua của củ cải ngâm tạo nên một hương vị vô cùng đặc biệt.


.


Buổi chiều, chúng tôi đến khu du lịch kayaking tại Mie. Đối với tôi thì kayaking không quá xa lạ vì tôi đã kayaking một lần khi còn ở U.S., nhưng tôi đã khá ngạc nhiên khi biết ở Nhật cũng có hoạt động này. Nghĩ lại thì tôi thấy lời một người bạn sống lâu năm ở Nhật nhận xét cực kỳ chính xác:

Ở Nhật, đi làm thì bận rộn, nhưng muốn đi chơi, muốn phát triển sở thích thì quá dễ dàng. Muốn chụp hình thì mua máy, muốn hòa mình với thiên nhiên thì leo núi. Ở đây có đầy đủ phương tiện để đáp ứng cho nhu cầu giải trí đa dạng của họ. Chứ ở Việt Nam, hình thức giải trí đa phần là đi xem phim, đi ăn, uống cà phê, ...
Tôi thấy hơi ghen tị với các bạn Nhật. Giá kayaking ở Nhật không quá đắt đỏ so với các loại hình giải trí khác, chứ thử ở Việt Nam mà xem, chắc chắn đây chỉ dành cho giới thượng lưu.

Tôi với cậu bạn lạng choạng trên thuyền. Không khó để giữ thăng bằng nhưng rất khó để di chuyển thuyền theo định hướng. Động tác “chèo” không phải dung lực tay mà dựa vào hai bên cơ bụng. Loay hoay mãi hai đứa mới theo được hướng chung của đoàn. Mặt trời bắt đầu lặn, những mảng đỏ bắt đầu loang cả bầu trời, mặt nước tĩnh lặng, và bầu không khí vô cùng tĩnh lặng. Dường như ai cũng đang đắm trong cảnh hoàng hôn ngất trời. Một cảm giác yên bình đến kỳ lạ.

No comments:

Post a Comment